Truy cập nội dung luôn

Khái quát chung về huyện Trà Bồng

 

          Trà Bồng là huyện miền núi địa đầu phía Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, có huyện lỵ là thị trấn Trà Xuân, cách trung tâm tỉnh Quảng Ngãi 40 km về phía Tây Bắc.

Về vị trí địa lý, TRÀ BỒNG có độ cao từ 80 - 1.500 mét so với mực nước biển, diện tích tự nhiên 760,35 km2 (số liệu đến 31/12/2020).

Vị trí địa lý giới hạn từ: 15º 06’ 10˝ đến 15º 21’ 00˝ vĩ độ Bắc.

                                     108º 21’ 30˝ đến 108º 38’ 50˝ kinh độ Đông.

 

Sơ đồ vị trí huyện Trà Bồng trong tỉnh Quảng Ngãi.

 

Huyện có vị trí địa lý tiếp giáp như sau:

- Phía Đông giáp: Huyện Bình Sơn và huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi;

- Phía Tây giáp: Huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi;

- Phía Nam giáp: Huyện Sơn Hà và huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi;

- Phía Bắc giáp huyện Bắc Trà My và huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. 

Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 15 xã: Trà Phú, Trà Bình, Trà Giang, Trà Tân, Trà Bùi, Trà Sơn, Trà Thủy, Trà Lâm, Trà Hiệp, Trà Thanh, Trà Phong, Trà Xinh, Trà Tây, Sơn Trà, Hương Trà và 01 thị trấn Trà Xuân, với 79 thôn, TDP;

Trong đó:

1. Thị trấn Trà Xuân hiện nay có: 6 TDP, gồm: TDP 1, TDP 2, TDP 3, TDP 4, TDP 5, TDP 6;

2. Xã Trà Phú có 4 thôn: Phú Hòa, Phú An, Phú Long, Phú Tân (đều lấy chữ Phú làm đầu);

3. Xã Trà Bình có 4 thôn: Bình Thanh, Bình Tân, Bình Trung, Bình Đông (đều lấy chữ Bình làm đầu);

4. Xã Trà Giang có 3 thôn: thôn 1 Trà Mít (Trà Công), thôn 2 Trà Ngang (Trà Giăng), thôn 3 (Trà Nhỉ);

5. Xã Trà Thuỷ có 6 thôn, tên gọi theo thứ tự từ thôn 1 đến thôn 6;

6. Xã Trà Hiệp có 4 thôn: thôn Cả, thôn Cưa, thôn Nguyên, thôn Băng;

7. Xã Trà Tân có 4 thôn: thôn Trà Ót, thôn Trà Ngon, thôn Trường Biện và thôn Trường Giang;

8. Xã Trà Bùi có 5 thôn: thôn Quế, thôn Tang, thôn Tây, thôn Nước Nia, thôn Niên;

9. Xã Trà Sơn có 8 thôn: Thôn Tây, thôn Kà Tinh, thôn Bắc, thôn Bắc 2, thôn Đông, thôn Trung, thôn Sơn Bàn, thôn Sơn Thành;

10. Xã Trà Lâm có 4 thôn: Trà Xanh, Trà Khương, Trà Hoa, Trà Lạc (đều lấy chữ Trà làm đầu).

11. Xã Trà Phong có 5 thôn: thôn Gò Rô, thôn Trà Nga, thôn Trà Niu, thôn Hà Riềng và thôn Trà Bung.

12. Xã Trà Xinh có 3 thôn: thôn Trà Veo, thôn Trà Ôi và thôn Trà Kem.

13. Xã Trà Thanh có 4 thôn: thôn Môn, thôn Vuông, thôn Cát và thôn Gỗ.

14. Xã Hương Trà có 6 thôn: thôn Trà Linh, thôn Trà Liên, thôn Trà Lương, thôn Trà Huynh, thôn Cà Đam và thôn Trà Vân.

15. Xã Sơn Trà có 6 thôn: thôn Hà, thôn Đông, thôn Sơn, thôn Trà Bao, thôn Trà Xuông và thôn Trà Ong.

16. Xã Trà Tây có 7 thôn: thôn Xanh, thôn Đam, thôn Vàng, thôn Tre, thôn Bắc Dương, thôn Bắc Nguyên và thôn Tây.

Huyện Trà Bồng có vị trí địa lý khá thuận lợi, cách khu kinh tế Dung Quất khoảng 47 km, từ trung tâm thành phố Quảng Ngãi đến thị trấn Trà Xuân 55km, trong đó có 24km Quốc lộ 1 và 21 km đường Quốc lộ 24C. Nằm trên trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia: Quốc lộ 24C có điều kiện thông thương thuận tiện kết nối vùng ven biển Quảng Ngãi, khu kinh tế Dung Quất với tỉnh Quảng Nam, vùng Tây Nguyên và thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y đi Thái Lan, Lào, Campuchia. Ngoài ra có hệ thống giao thông đường tỉnh ĐT 622B, 622C, 626.

Trà Bồng là địa bàn cư trú lâu đời của dân tộc Co với cây quế nổi tiếng, với vùng đông là các xã người Kinh chuyên làm lúa nước. Nơi đây từng nổ ra cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (28.8.1959). Trà Bồng chủ yếu phát triển nông, lâm nghiệp, công - thương nghiệp phát triển chủ yếu ở các xã vùng thấp trong huyện.

Về hành chính, Trà Bồng xưa là một trong bốn nguồn (nguyên) của tỉnh Quảng Ngãi, thường được gọi là nguồn Đà Bồng, sau đổi là nguồn Thanh Bồng, rồi đồn Trà Bồng, châu Trà Bồng, có 3 tổng, 34 sách (làng).

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, châu Trà Bồng đổi là huyện Trà Bồng, các sách cũ nhập thành các xã mới, các làng tây Bình Sơn nhập vào huyện Trà Bồng, hình thành 13 xã: Trà Khê, Trà Phong, Trà Quân, Trà Lâm, Trà Giang, Trà Thanh, Trà Lãnh, Trà Nham, Trà Thuỷ, Trà Sơn, Trà Xuân, Trà Phú, Trà Bình. Đến năm 1951, 3 xã Trà Xuân, Trà Phú, Trà Bình (nguyên là các làng Xuân Khương, Đông Phú, Vinh Hòa thời Pháp thuộc) cắt giao về cho huyện Bình Sơn, thành 1 xã là xã Bình Lâm.

Từ sau 1954, chính quyền Sài Gòn tiếp quản, đến giữa năm 1958, đổi huyện Trà Bồng thành quận Trà Bồng, đổi tên xã cũ thành tên xã mới (cũng lấy chữ Trà làm đầu), cụ thể: xã Trà Xuân đổi thành Trà Khương; xã Trà Giang đổi thành Trà Nhỉ; xã Trà Thuỷ đổi thành Trà Bắc; xã Trà Sơn đổi thành Trà Lang; xã Trà Thanh đổi thành Trà Đoài; xã Trà Lâm đổi thành Trà Binh; xã Trà Lãnh đổi thành Trà Trung; xã Trà Nham đổi thành Trà Thượng; xã Trà Quân đổi thành Trà Hương; xã Trà Khê đổi thành Trà Hoa; xã Trà Phong đổi thành Trà Thạnh. Quận lỵ đặt ở xã Trà Khương (Trà Xuân).

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng kháng chiến quyết định cắt các xã phía nam Cà Đam của huyện Sơn Hà có dân tộc Co sinh sống là các xã Sơn Thọ, Sơn Hiệp, Sơn Bùi, Sơn Tân nhập vào Trà Bồng, đổi thành các xã Trà Thọ, Trà Hiệp, Trà Bùi, Trà Tân. Có thời, các xã đông bắc được cắt thành khu I, các xã quanh núi Cà Đam được tách lập thành khu II, các xã phía tây huyện cắt lập thành khu IX, trực thuộc vùng căn cứ địa của Tỉnh uỷ.

Sau năm 1975, sau nhiều lần tách nhập các xã, đến cuối năm 2003, Trà Bồng có 19 xã thị trấn: Trà Thanh, Trà Khê, Trà Quân, Trà Phong, Trà Thọ, Trà Hiệp, Trà Lâm, Trà Lãnh, Trà Thuỷ, Trà Sơn, Trà Nham, Trà Bùi, Trà Giang, Trà Phú, Trà Bình, Trà Tân, Trà Trung, Trà Xinh và thị trấn Trà Xuân.

Cuối năm 2003, 9 xã phía tây huyện được tách lập thành huyện mới Tây Trà. Trà Bồng còn 10 xã, thị trấn (như đã kể trên).

Ngày 10/01/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 867/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó nhập huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng thành huyện Trà Bồng (mới). Đồng thời thành lập xã Sơn Trà trên cơ sở nhập xã Trà Quân và xã Trà Khê. Thành lập xã Hương Trà trên cơ sở nhập xã Trà Nham và xã Trà Lãnh. Thành lập xã Trà Tây trên cơ sở nhập xã Trà Trung và xã Trà Thọ.

Như vậy, hiện nay, sau khi thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập huyện Trà Bồng có 16 xã, thị trấn bao gồm: Trà Phú, Trà Bình, Trà Giang, Trà Thủy, Trà Sơn, Trà Lâm, Trà Hiệp, Trà Bùi, Trà Tân, Trà Phong, Trà Xinh, Trà Thanh, Trà Tây, Hương Trà, Sơn Trà và thị trấn Trà Xuân.

Về địa hình, Trà Bồng là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở sườn núi phía Đông của dãy Trường Sơn nên địa hình của huyện thuộc vùng núi cao, có độ dốc rất lớn, với diện tích đồi núi chiếm phần lớn đất đai trong huyện. Địa hình của huyện thấp dần từ Tây sang Đông, độ dốc bình quân 150 - 200. Vùng đồng bằng nằm ở phía đông huyện, giáp giới với huyện Bình Sơn và phía hữu ngạn sông Trà Bồng, ở các xã Trà Bình, Trà Phú và thị trấn Trà Xuân. Địa hình Trà Bồng khá phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các khối núi và sông suối chằng chịt trong các thung lũng nhỏ hẹp. Núi ở đây có độ dốc rất lớn. Độ cao trung bình so với mặt nước biển 800 - 1.000 mét, có nhiều đỉnh cao trên 1.000 mét, như Núi Tà Cút (1.442m), Núi Cà Đam (1.415m), Núi Răng Cưa (1.100m), Núi Chóp Vung (905m), Núi Hòn Giót (865m). Hệ thống sông suối, gồm sông Trà Bồng, sông Giang, sông Trà Bói, suối Cà Đú, suối Trà Cân, suối Nun. Đất bằng và thung lũng ở Trà Bồng rất ít ỏi, nhỏ hẹp. Rừng núi Trà Bồng có nhiều lâm thổ sản, đất đai thích hợp với cây quế. Phía đông Trà Bồng có suối khoáng Thạch Bích đang được khai thác dùng trong công nghiệp nước uống.

Khí hậu, mang đặc thù của khí hậu nhiệt đới gió mùa Duyên hải Nam Trung Bộ với yếu tố địa hình sườn Đông Trường Sơn chi phối, đặc điểm khí hậu của huyện được thể hiện rõ theo 2 mùa: Mùa khô từ tháng 02 đến tháng 9 và mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 01 năm sau.

- Nhiệt độ: Giờ nắng trung bình cả năm là 2.343 giờ. Nhiệt độ bình quân hàng năm: 23,50C.

- Lượng mưa: Tổng lượng mưa bình quân năm tương đối lớn là 3.000 mm, tập trung nhiều ở các tháng 9 đến 11. Các tháng 2 đến 4 có lượng mưa thấp nhất.

- Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí trung bình hàng năm khá lớn là 88% - 90%, tháng cao nhất 92%, tháng thấp nhất 74%.

- Gió, bão: Huyện Trà Bồng chịu ảnh hưởng của 2 mùa gió chính: Gió mùa đông: Hướng gió chủ yếu là Đông Bắc - Tây Nam, thịnh hành từ tháng 10 đến tháng 02 năm sau. Gió mùa hè: Hướng gió thịnh hành là Đông Nam xuất hiện từ tháng 02 đến tháng 9.

Khí hậu Trà Bồng nắng lắm mưa nhiều, lượng mưa ở đây thuộc hạng cao nhất trong nước, gây ra nhiều hạn hán, lũ lụt, độ ẩm cũng khá cao. Trong lời truyền của dân và trong các truyện cổ đều thể hiện những ký ức kinh hoàng về các trận lũ, nhất là trận lũ 1964. Tình trạng lở đất xảy ra ở một số nơi, hiện tượng nứt núi cũng xuất hiện, như tại thôn Đông, xã Trà Sơn.

Hiện trạng sử dụng quỹ đất ở Trà Bồng năm 2020 như sau (theo Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND ngày 23/10/2020 của HĐND huyện Trà Bồng):

Tổng diện tích tự nhiên của huyện Trà Bồng là 760,350 km2, trong đó:

- Đất nông nghiệp 701,452 km2, chiếm  92,25 % diện tích tự nhiên;

- Đất phi nông nghiệp 45,020 km2, chiếm  5,92 % diện tích tự nhiên;

- Đất chưa sử dụng 13,878 km2, chiếm  1,83 % diện tích tự nhiên.

Về dân cư, tính đến năm 2020, huyện Trà Bồng dân số là 53.598 người. Mật độ dân số khoảng 70 người/km2. Cư dân ở Trà Bồng chủ yếu là người Co, người Việt. Người Co sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, trồng quế, bắp, săn bắn, hái lượm, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Xã hội Co xưa kia ở vào thời kỳ tiền giai cấp, tính cố kết cộng đồng cao, sống hiền hòa, cần cù nhẫn nại, có nhiều giá trị văn hóa cổ truyền đặc sắc. Người Việt cư trú chủ yếu ở các xã Trà Phú, Trà Bình và thị trấn Trà Xuân phía đông huyện, ven trục lộ giao thông, chủ yếu làm ruộng nước và buôn bán, làm nghề thủ công, và có sự giao lưu với văn hóa Co. Ngoài ra, còn có người Xơ đăng, Hrê, Mường, Tày và một số dân tộc khác. Các dân tộc ở Trà Bồng có truyền thống đoàn kết, có sự giao lưu buôn bán lâu đời và có truyền thống yêu nước khá nổi bật.

Trong số dân hơn 53.598 người ở Trà Bồng có 32.624 người Kor, chiếm 60,87%; người Kinh 17.866 người, chiếm 33,33%; người Xơ đăng 1.887 người, chiếm 3,52%; người Hrê 992 người, chiếm 1,86%; Mường 68 người, chiếm 0,12%; Tày 39 người, chiếm 0,07%; dân tộc khác 122 người, chiếm 0,22%. Số người kinh đông nhất là ở thị trấn Trà Xuân (7.203 người), kế đến là các xã Trà Bình, Trà Phú. Người Co sống đều khắp ở các xã miền núi.

 

DÂN SỐ NĂM 2020 CHIA THEO DÂN TỘC

 

 

 

Tổng số (tính theo Dân số TB)

Kinh

Xơ đăng

Hrê

Co

Mường

Tày

Dân tộc khác

 

Tổng số

53.598

17.866

1.887

992

32.624

68

39

122

1

TT. Trà Xuân

7.202

6.914

1

12

268

6

1

0

2

Xã Trà Phú

3.630

3.625

0

0

5

0

0

0

3

Xã Trà Bình

4.200

4.199

0

0

1

0

0

0

4

Xã Trà Sơn

5.308

589

1

23

4.605

47

27

16

5

Xã Trà Thủy

3.370

428

2

18

2.902

0

7

13

6

Xã Trà Bùi

1.882

59

3

151

1.661

1

0

8

7

Xã Trà Tân

2.353

317

0

324

1.687

9

2

14

8

Xã Trà Hiệp

2.255

77

0

5

2.164

3

0

6

9

Xã Trà Lâm

1.995

44

1

6

1.941

0

0

3

10

Xã Trà Giang

517

31

0

1

476

2

2

5

11

Xã Trà Phong

5.290

994

115

45

4.105

0

0

30

12

Xã Trà Thanh

2.357

9

0

4

2.343

0

0

1

13

Xã Trà Xinh

2.221

94

1.752

307

64

0

0

4

14

Xã  Sơn Trà

3.952

171

8

5

3.767

0

0

1

15

Xã Hương Trà

4.164

118

3

10

4.016

0

0

16

16

Xã Trà Tây

2.901

197

1

80

2.619

0

0

4

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sự phân bố dân cư theo từng xã, thị trấn thời điểm 2020 như sau:

TT

Xã, thị trấn

Diện tích 
(km2)

Dân số 
trung bình (người)

Mật độ dân số (người/km2)

Tổng số  thôn/TDP

1

Trà Xuân

5,928

7.203

1.215

6

2

Trà Phú

15,915

3.630

228

4

3

Trà Bình

21,834

4.199

192

4

4

Trà Sơn

57,335

5.308

93

8

5

Trà Thủy

76,105

3.370

44

6

6

Trà Bùi

62,999

1.882

30

5

7

Trà Tân

59,398

2.353

40

4

8

Trà Hiệp

49,974

2.256

45

4

9

Trà Lâm

34,697

1.995

58

4

10

Trà Giang

37,063

517

14

3

11

Trà Phong

40,284

5.290

131

5

12

Trà Thanh

49,279

2.357

48

4

13

Trà Xinh

80,596

2.221

28

3

14

Sơn Trà

49,929

3.953

79

6

15

Hương Trà

49,444

4.164

84

6

16

Trà Tây

69,570

2.900

42

7

 

Toàn huyện

760,350

53.598

70

79

Thống kê trên cho thấy thị trấn Trà Xuân có số dân cao tuyệt đối và mật độ dân số cũng cao tuyệt đối, nhưng diện tích thấp tuyệt đối. Rộng nhất là xã Trà Xinh. Dân số và mật độ thấp tuyệt đối là xã Trà Giang.

Nổi bật trong truyền thống yêu nước của người Co ở Trà Bồng là sự tham gia phong trào "Nước Xu đỏ" từ năm 1938 và tiếp tục chống Pháp cho đến Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Năm 1938, bốn già làng có uy tín nhất của dân tộc Co là ông Gia, ông Chân, ông Phú, ông Tài đã kêu gọi nhân dân quanh vùng đứng lên chống thực dân Pháp bắt xâu, thu thuế. Họ chỉ huy bốn đội nghĩa quân trang bị vũ khí thô sơ kéo về tấn công châu lỵ Trà Bồng nhưng bị thất bại, nhiều người hy sinh. Dân các làng buộc phải quay về chịu xâu, thuế như cũ. Các thủ lĩnh, dẫn đầu là ông Gia, ông Tài, cùng dân của hàng chục làng kéo nhau lên Cà Đam, lên đầu nguồn sông Tang xây dựng căn cứ để chiến đấu lâu dài. Nghĩa quân đã gây cho Pháp nhiều thiệt hại, đã đánh trận Gò Rô nổi tiếng (tháng 1.1939). Năm 1942, nhân lúc giặc Pháp đưa quân lên đánh vùng cao, nghĩa quân lại kéo xuống tấn công châu lỵ Trà Bồng, nhưng lại bị thất bại. Pháp tăng cường đánh phá lên căn cứ và dụ dỗ, mua chuộc. Các thủ lĩnh và dân các làng cương quyết cố thủ trong căn cứ cho mãi đến tháng Tám 1945. Khi được biết Việt Minh đang lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở châu lỵ Trà Bồng, nghĩa quân kéo về tham gia. Ông Gia (lúc này đã 90 tuổi) được cử làm Chủ tịch Trà Bồng.

Các xã ở phía đông huyện thuộc địa bàn cư trú của người Việt, hình thành tổ chức cơ sở Đảng từ năm 1930 và liên tục đấu tranh góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trà Bồng trong kháng chiến chống Pháp là căn cứ địa vững chắc của cách mạng, giữ vững tự do và đóng góp sức người, sức của vào công cuộc đánh thắng quân Pháp xâm lược.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trà Bồng là căn cứ địa đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. Cũng tại Gò Rô, ngày 7.7.1958, Đại hội nhân dân 4 dân tộc: Co, HrêCa Dong, Kinh thể hiện quyết tâm đánh Mỹ, được mệnh danh là đại hội "Diên Hồng" của Nhân dân các dân tộc miền Tây Quảng Ngãi. Trà Bồng là nơi khởi phát cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi 28.8.1959, một trong những cuộc đồng khởi nổi bật nhất ở miền Nam Việt Nam thời ấy. Sau cuộc khởi nghĩa, nhiều vùng nông thôn đã được giải phóng, các ủy ban tự quản xã ra đời. Nhân dân Trà Bồng đã bẻ gãy các cuộc phản kích, đánh phá của kẻ địch để giữ vững vùng giải phóng và đóng góp nhiều nhân tài vật lực cho cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Trà Bồng được giải phóng hoàn toàn ngày 18.3.1975.

Quân và dân Trà Bồng, quân và dân các xã Trà Sơn, Trà Tân, Trà Bùi, Trà Lâm, Trà Hiệp được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Có 12 bà mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. 

Kinh tế Trà Bồng đến nay đã dần phát triển. Hoạt động kinh tế của Nhân dân Trà Bồng chủ yếu là nông, lâm nghiệp. Công, thương nghiệp và dịch vụ cũng dần dần phát triển theo thời gian. Về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổng giá trị sản xuất (tính theo giá so sánh năm 2010) 5 năm trở lại đây như sau:

- Năm 2015: 818,108 tỷ đồng;

- Năm 2016: 1.051,526 tỷ đồng, tăng 28,53% so với năm 2015;

- Năm 2017: 1.153,277 tỷ đồng, tăng 9,67% so với năm 2016;

- Năm 2018: 1.201,975 tỷ đồng, tăng 4,22% so với năm 2017;

- Năm 2019: 1.542,160 tỷ đồng, tăng 28,30% so với năm 2018;

- Năm 2020: 1.696,468 tỷ đồng, tăng 10,01% so với năm 2019.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân từ năm 2016 - 2020 đạt 15,7%.Trong đó: Nông, lâm, thủy sản tăng 5,6%; công nghiệp, xây dựng tăng 29,13%; thương mại, dịch vụ tăng 8,91%.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng. Đến năm 2020, tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 21,79%, giảm 12,62% so với năm 2015; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 51,90%, tăng 21,92% so với năm 2015; tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ chiếm 26,31%, giảm 9,3% so với năm 2015.

Về nông lâm ngư nghiệp, các tài liệu cổ cho thấy nông nghiệp ở Trà Bồng xưa cũng có một số điểm đáng chú ý. Tập Quảng Ngãi tỉnh chí của Nguyễn Bá Trác và các tác giả in trên Nam phong tạp chí (1933) có ghi ở thời điểm ấy, Trà Bồng có 1.282 mẫu ruộng (461,52ha), thu hoạch được 228 tấn lúa mỗi năm. Có thể hiểu số ruộng này phần lớn nằm ở vùng thấp của huyện và phần nhiều do người Việt canh tác. Ngoài ra, không thấy ghi chép về loại cây trồng khác. Về chăn nuôi, các tác giả Quảng Ngãi tỉnh chí ghi ở Trà Bồng có nuôi 88 con trâu, 20 con bò, 4 con ngựa, 871 con heo, 4.121 con gà, song các tác giả cũng nhấn mạnh các số liệu ấy cũng chỉ "phỏng chừng mà kê" nên độ chính xác chắc chắn không cao. Trải qua hai cuộc kháng chiến, nông nghiệp ở Trà Bồng chưa có điều kiện phát triển. Từ sau năm 1975, sản xuất nông nghiệp mới thực sự chuyển biến.

Giai đoạn 2016-2020, tổng giá trị sản xuất ngành nông lâm ngư nghiệp (giá cố định năm 2010) đạt 1.600,538 tỷ đồng. Trong đó: Ngành nông nghiệp 845,959 tỷ đồng, ngành lâm nghiệp 747,234 tỷ đồng, ngành thủy sản 7,344 tỷ đồng. Nhờ việc thực hiện tốt việc áp dụng lịch thời vụ, cơ cấu giống và thời gian gieo sạ được bố trí tập trung, đồng loạt theo từng vùng, từng cánh đồng tạo điều kiện cho việc chăm sóc, thuận lợi cho việc điều tiết và chủ động được nguồn nước tưới; các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, có đặc tính phù hợp với tập quán sản xuất và điều kiện thực tế từng địa phương được đưa vào cơ cấu giống sản xuất chính kết hợp với việc thực hiện tốt công tác bảo vệ thực vật, hạn chế tối đa sâu bệnh hại phát sinh nên nhìn chung năng suất, sản lượng lương thực tăng lên theo từng năm. Nhiều chính sách hỗ trợ về phát triển nông nghiệp như chương trình 135, chương trình 30a, nhìn chung các loại cây trồng không có biến động nhiều về diện tích nhưng hầu hết về năng suất đều tăng lên theo từng năm nhờ áp dụng khoa học vào sản xuất.

Việc thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã có sự chuyển biến rõ nét, trong đó tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và chăn nuôi đã từng bước hình thành và phát triển có hiệu quả theo hướng tập trung hàng hóa, chăn nuôi gia trại, trang trại gắn với xây dựng nông thôn mới, từ năm 2016 đến nay nhiều mô hình đã được triển khai thực hiện như mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, mô hình trồng rau an toàn, mô hình bảo tồn và phát triển chăn nuôi heo bản địa, mô hình cải tiến chăn nuôi trâu bò ở miền núi....

Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất trồng trọt và chăn nuôi có hiệu quả, tiếp tục được hình thành và phát triển như: Mô hình nuôi cá nước ngọt thương phẩm tập trung, mô hình nuôi dế sữa, làm nấm, trồng rau măng tây và chăn nuôi gia cầm tập trung; dự án rau củ quả, rau thủy canh, trang trại chăn nuôi công nghiệp tập trung khép kín tiếp tục phát triển và mở rộng quy mô. Một số giống vật nuôi mới được đưa vào sản xuất như: Hươu sao, bò lai BBB, Zebu...; đặc biệt là hỗ trợ bò đực lai, bò cái lai sinh sản đã góp phần nâng tỷ lệ bò lai lên từng năm; các dự án sản xuất, chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị được hình thành.

Đã hình thành và cấp giấy cho 02 trang trại đảm bảo các tiêu chí theo quy định gồm 01 trang trại nuôi heo công nghiệp quy mô 1.200 và sản xuất, cung cấp heo giống, 18 trang trại, gia trại chăn nuôi heo có quy mô từ 50 con trở lên; 26 trại gia cầm có quy mô đàn từ 1.200 -3.000 con; Dự án sản xuất rau, củ quả tập trung (Công suất thiết kế: Rau ăn lá: 37,5 tấn/ năm, củ, quả: 258,5 tấn/năm; diện tích: 58.498,1m2; vốn đầu tư: 10.650.000.000 đồng) đã đi vào hoạt động ổn định từ tháng 8 năm 2018…bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo ra nhiều loại sản phẩm hàng hóa cho địa phương, giá trị thu nhập bình quân từ 80 - 100 triệu đồng/năm, trang trại, gia trại đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được quan tâm chỉ đạo. Thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh việc nghiên cứu, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế giúp Nhân dân tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.

Lĩnh vực cơ giới hóa được quan tâm đầu tư và có bước phát triển đáng kể. Số lượng máy móc, thiết bị phục vụ vào sản xuất nông, lâm nghiệp ngày càng nhiều chủng loại, mẫu mã đa dạng. So với các nhiệm kỳ trước tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chỉ đạt mức sắp xỉ 30%, nhưng đến nay tỷ lệ này được nâng lên đáng kể trên 60%, các công đoạn từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch cơ bản được cơ giới hóa giúp giảm bớt sức lao động của con người và gia súc kéo, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đối với cây lúa đạt 80%; tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu vận chuyển đạt 50% được tính chung cho các loại cây trồng ngắn ngày; tỷ lệ cơ giới trong khâu xay xát gạo đạt 60%.

Thực hiện theo Luật Hợp tác xã năm 2012, đến nay trên địa bàn huyện đã thành lập 05 hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, tổng hợp. Bước đầu huyện, xã đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để hợp tác xã đi vào hoạt động; tham gia chủ trì đối với Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuộc hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất; tổ chức ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa người dân với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện, tạo tâm lý an tâm cho bà con tham gia dự án.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn có bước phát triển đáng kể. Hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp đã phục vụ tưới tiêu chủ động khoảng 79,15% (801,74/1012,85 ha) diện tích canh tác. Về giao thông, cơ bản đã thông suốt từ huyện đến các xã, thị trấn; một số tuyến từ trung tâm xã đến thôn, bản đã được thông tuyến đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân. Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 85%.

Tình hình thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đạt kết quả tốt, nhiều dự án đầu tư được chấp thuận đầu tư góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương: Dự án Sản xuất rau - củ - quả an toàn và tiêu thụ sản phẩm tại xã Trà Tân với tổng mức đầu tư 10,650 tỷ đồng, bước đầu đưa vào sản xuất thử nghiệm một số loại giống cao sản như: Chanh leo, Khoai lang lấy củ, Khoai môn, rau sạch các loại; Dự án đầu tư kinh tế trang trại chăn nuôi heo công nghiệp tại xã Trà Tân, với tổng mức đầu tư 3,512 tỷ đồng. Đây là tiền đề quan trọng và cũng là cơ hội để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Hiên nay, đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện Dự án “Ứng dụng Khoa học Công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi bền vững cho Đoàn viên thanh niên và nông dân tại xã Trà Phú, huyện Trà Bồng”; Đề tài: Thực hiện mô hình trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm Sacha inchi theo chuỗi giá trị; Xây dựng Mô hình trồng, bảo tồn và phát triển cây dược liệu Sâm bảy lá (Thất diệp nhất chi hoa)...

Huyện đã thống nhất chủ trương cho công ty TNHH Xây dựng Đồng Khánh tiến hành khảo sát đầu tư dự án “Trang trại chăn nuôi heo, bò kết hợp trồng cây lâu năm giá trị cao” tại xã Trà Bình, dự án Trang trại bò ngoại nhập công nghệ 4.0 của Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Trà Giang. Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh như: Mô hình sản xuất rau thủy canh, mô hình trồng cây Sasa Inchi, trồng Sâm 7 lá, gừng gió... đã triển khai và đi vào hoạt động góp phần tạo ra nhiều sản phẩm và tiêu thụ hàng hóa nông, lâm sản cho bà con Nhân dân trên địa bàn.

* Phát triển nông nghiệp

- Về trồng trọt: Đến cuối năm 2020, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt là 8.452 tấn, bình quân đầu người đạt 157,1 kg/người/năm. Cây Lúa nước: Diện tích gieo sạ là 1.535 ha, năng suất bình quân ước đạt 43,6 tạ/ha, sản lượng 6.701 tấn; Cây Lúa rẫy: Diện tích gieo sạ là 315 ha, năng suất bình quân ước đạt 13,7 tạ/ha, sản lượng 432 tấn.  Cây Ngô: Diện tích là 438,6 ha, năng suất 30,1 tạ/ha, sản lượng 1.319 tấn. Cây sắn: Diện tích là 428 ha, năng suất 148 tạ/ha, sản lượng 6.334 tấn. Cây Lạc: Diện tích là 124,5 ha, năng suất 17,8 tạ/ha, sản lượng 222 tấn. Cây rau các loại: Diện tích là 330 ha, năng suất 104,2 tạ/ha, sản lượng 3.439 tấn. Cây đậu các loại: Diện tích là 207 ha, năng suất 15,8 tạ/ha, sản lượng 327 tấn.

Huyện đã tập trung triển khai thực hiện cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương như cây bơ, cây chuối, cây bưởi. Ngoài ra, huyện đã triển khai thực hiện 03 dự án phát triển vùng chuyên canh cây quế, quy mô 1.998,26 ha với tổng kinh phí 27,739 tỷ đồng để hỗ trợ  hơn 10.988.101 cây giống cho người dân trên địa bàn huyện; duy trì thực hiện mô hình gừng gió với 0,5 -1 ha; triển khai mới các dự án cây ăn quả: sầu riêng, cam sành, bưởi da xanh.

            -  Về chăn nuôi: Xưa kia việc chăn nuôi gia súc như trâu, heo cũng rất khó, vì vùng rừng núi Trà Bồng có rất nhiều thú dữ như voi, hổ. Qua các thời kỳ cách mạng, canh tác nông nghiệp ở Trà Bồng mới dần dần có sự chuyển biến. Người Co sinh hoạt kinh tế nông, lâm nghiệp theo lối cổ truyền, có thêm các nhân tố mới nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó có cả dấu ấn của kinh tế nông nghiệp sơ khai. Người Co ngày nay, bên cạnh việc khai hoang trồng lúa nước với kỹ thuật mới, vẫn thường xuyên trồng và khai thác quế như xưa, phát nương làm rẫy tỉa lúa, ngô, nuôi trâu, gà, vịt ở làng, đi rừng hái rau ranh, bắt ốc, khai thác mật ong, đót, các loại cây, dây rừng để về làm đồ dùng, thức ăn và bán lấy tiền. Sản vật ở rừng có nhiều, nhưng ngon nhất là ốc đá, rau ranh và mật ong hoa quế.

Đến nay, sản xuất ngành chăn nuôi có nhiều khởi sắc, sản lượng các sản phẩm chính đều tăng (sản lượng thịt hơi các loại tăng lên qua từng năm). Xuất hiện ngày càng nhiều trang trại (có 02 trang trại tổng hợp; 01 trang trại nuôi heo công nghiệp quy mô 1.200 đã được UBND tỉnh Quyết định chủ trương đầu tư),  nhiều gia trại, điểm chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa, bầy đàn; tình trạng gia súc, gia cầm bị chết vì đói, rét trong mùa mưa ngày càng được đẩy lùi; thực hiện công tác phòng, chống dịch và tiêm phòng có hiệu quả kết hợp với việc đưa các giống vật nuôi có chất lượng cao dần thay thế các giống có năng suất, sản lượng thấp; đồng thời, các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến được áp dụng vào trong chăn nuôi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện nhà. Chăn nuôi đến năm 2020: Đàn trâu 771 con; Đàn bò 14.616 con; Đàn lợn 19.542 con; Đàn gia cầm 104.542 con.

* Về phát triển thủy sản

Với đặc thù là huyện miền núi nên điều kiện phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản gặp nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ phát triển thuỷ sản trên địa bàn huyện chưa cao, với quy mô nhỏ lẻ, sản lượng thấp chưa đủ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ. Hệ thống sản xuất, cung ứng giống và các cơ sở dịch vụ phục vụ thuỷ sản trên địa bàn huyện hầu như chưa phát triển.

Tổng diện tích nuôi trồng ước đạt 45 ha vào năm 2020, trong đó có khoảng 15,5 ha là ao nuôi của hộ gia đình, gồm các loại cá basa, thác lát, trắm cỏ, rô phi, cá mè, cá lóc. Hiện có 01 hộ nuôi cá thương phẩm tại xã Trà Thủy với số lượng cá thả khoảng 70.000 gồm cá lóc và cá trê, cá thác lác, cá ba sa...đã cho thu hoạch; thực hiện chương trình tái tạo nguồn lợi thủy sản đã thả tại các hồ chứa trên địa bàn 71.000 con cá giống các loại gồm cá rô phi, trắm cỏ, mè, chép. Sản lượng nuôi trồng và khai thác ước đạt 106 tấn.

* Về thủy lợi, tính nay, tổng số công trình thủy lợi trên địa bàn huyện có 91 công trình, tổng diện tích được tưới là 1.398,440 ha gồm. Trong đó: Hồ chứa 09 công trình, đập dâng 81 công trình, trạm bơm 01 công trình. Hiện có 87 công trình còn hoạt động và 4 công trình không còn hoạt động. Hằng năm trên các cơ sở các nguồn kinh phí chính sách đất lúa, cấp bù thủy lợi phí và các nguồn kinh phí được phân bổ, các địa phương đã tập trung duy tu bão dưỡng công trình thường xuyên để đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nên hạn chế được tình trạng diện tích lúa bị hạn hán cục bộ.

* Về lâm nghiệp, thuở xưa vùng Trà Bồng nổi tiếng với loại cây trồng đặc chủng là cây quế, thường được gọi là quế Quảng. Bên cạnh một ít quế rừng mọc tự nhiên, người Co chuyên việc trồng quế trên rẫy, thành rừng. Nhiều thương nhân người Việt đã lên các làng người Co để mua quế về xuôi bán lại cho người Hoa xuất khẩu. Thời nhà Nguyễn, hằng năm các vua Nguyễn đều cho đặt mua quế Trà Bồng. Người dân Co bóc vỏ quế bán để mua về các vật dụng thiết yếu. Quế được trồng bổ sung hằng năm. Ngoài việc trồng quế, hoạt động lâm nghiệp của người Co chủ yếu là khai thác sản vật ở rừng. Trải qua quá trình khai thác và qua hai cuộc chiến tranh, rừng Trà Bồng bị tàn phá nặng, trong khi đồng bào dân tộc Co vẫn dựa vào việc khai thác lâm thổ sản như một nguồn bổ sung quan trọng cho cuộc sống, thì đối với chính quyền địa phương, việc bảo vệ, khoanh nuôi, trồng rừng phòng hộ, rừng nguyên liệu... là nhiệm vụ quan trọng và cũng là sự tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ cuộc sống cho Nhân dân. Việc khai thác chủ yếu tập trung vào gỗ rừng trồng như keo, bạch đàn, các loại cây thiên nhiên như tre, nứa, lồ ô, mây, đót khô. Riêng vỏ quế xô hằng năm khai thác vài trăm tấn. Việc trồng và khai thác quế trong hàng chục năm trở lại đây đã suy giảm, nằm ở mức thấp, vì giá quế trên thị trường xuống rất thấp. Đây là một vấn đề khá nan giải cho vùng đất quế Trà Bồng. Bà con dân tộc Co vốn trông cậy nhiều ở cây quế và điều kiện, địa hình, khí hậu ở đây không dễ chuyển đổi sang cây trồng khác. Hiện nay Cây keo lai đang được trồng khá nhiều.

Tổng diện tích rừng đến cuối năm 2020 ước đạt 57.065,80 ha. Công tác trồng rừng, phát triển rừng đang được các địa phương quan tâm, thực hiện có hiệu quả, trồng rừng đến năm 2020 đạt 15.015,7 ha. Trong đó, trồng rừng phòng hộ đạt 629,6 ha; trồng rừng sản xuất đạt 14.386,1 ha. Thực hiện giao khoán với tổng diện tích là 20.006,6 ha. Chăm sóc khoanh nuôi rừng phòng hộ 744 ha.

Đã thực hiện chuyển hóa khoảng 240 ha rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn (người dân tự chuyển hóa), tập trung ở các xã: Trà Bình, Trà Tân, Trà Lâm, Trà Hiệp, Trà Sơn, Trà Thủy. Diện tích này thay vì khai thác keo ở độ tuổi 5 - 6 năm như trước đây thì người dân kéo dài thời gian nuôi dưỡng lên 8 - 10 năm mới khai thác; góp phần nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích gấp 2 - 3 lần so với khai thác keo ở độ tuổi từ 5 - 6 năm, giá trị thu nhập khoảng 400- 450 triệu đồng/ha.

Thực hiện mô hình trồng rừng thâm canh cây keo lai nuôi cấy mô theo tiêu chuẩn FSC với quy mô 10 ha trên địa bàn xã Trà Tân và Trà Bình. Qua công tác tuyên truyền và thực tế sản xuất, đến nay người dân đã đã thực hiện chuyển đổi giống cây trồng, không còn tình trạng trồng keo hạt, keo tai tượng ..., mà chuyển sang sử dụng giống keo lai F1, keo mô ươm trong túi bầu vào sản xuất nhờ vậy cây trồng có sự đồng đều, hạn chế được sâu bệnh, đã góp phần tăng sản lượng trên đơn vị diện tích, với giá trị khai thác bình quân từ 120 - 150 tấn/ha, cá biệt có nơi trên 200 ha, nâng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích từ 120 triệu-150 triệu đồng/ha.

 Huyện cũng đã thực hiện trồng 11 ha loài cây trồng Lim xanh tại đầu nguồn hồ chứa nước Vực Thành, xã Trà Phú và triển khai trồng mới 14 ha với loài cây trồng là Sao đen và Lim xanh tại Tiểu khu 47, xã Trà Thủy và thôn Bình Tân, xã Trà Bình. Hằng năm, hưởng ứng phong trào Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện, các ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn đã tổ chức phát động, ra quân trồng nhiều nhiều loài cây gỗ quý, hiếm, cây bản địa (Sao đen, Dầu rái, Lim xanh) và được nhân dân đồng tình hưởng ứng tham gia. Nhờ vậy mà nhiều diện tích cây gỗ có giá trị khác như: Huỳnh đàn lõi đỏ, Giổi, Huỷnh, Xà cừ... được Nhân dân đưa vào trồng rừng.

 Huyện cũng thực hiện phát triển và ổn định diện tích trồng quế giai đoạn 2016-2020 đạt 4.045 ha. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tuyển chọn được 200 cây Quế giống Trà Bồng, thực hiện trồng 10 ha rừng quế giống Trà Bồng để bảo tồn và phát triển nguồn gen quế bản địa. Trong hỗ trợ giống Quế cho nhân dân sử dụng 100% số lượng cây giống được ươm trong túi bầu để phát triển sản xuất, tổ chức cấp phát đúng thời vụ và nhu cầu của nhân dân đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao tỷ lệ cây sống, công tác triển khai các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh tổng hợp trên cây Quế được thực hiện có hiệu quả.

Phát triển và ổn định diện tích chè xanh đến năm 2020 là 100 ha, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 60-80 tấn chè lá tươi.

Công tác phát triển rừng ngày càng được xã hội hóa, diện tích đất trống, đồi núi trọc được đưa vào trồng rừng, các hoạt động trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, cây gỗ nguy cấp, quý hiếm ngày càng được chú trọng đã góp phần nâng độ che phủ rừng đạt 58,5%.

  * Công tác xây dựng nông thôn mới: Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện tiếp tục được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm và triển khai mạnh mẽ; được nhân dân nhiệt tình ủng hộ nên nhìn chung đạt nhiều kết quả tích cực. Với phương châm trong xây dựng nông thôn mới là: "Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi" đã tạo được những phong trào sôi nổi do chính người dân tham gia vào công cuộc xây dựng NTM, nhờ đó, đã thúc đẩy người dân tích cực đóng góp ngày công lao động, vật chất, tự nguyện hiến đất tham gia xây dựng nông thôn mới với diện tích đã hiến được 152.258 m2 đất, đóng góp 4.955 ngày công lao động, đóng góp tiền, vật tư quy đổi thành tiền 7.694,2 triệu đồng để làm đường giao thông, nhà văn hóa thôn, thủy lợi và các công trình khác thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và lắp đặt đường điện thắp sáng làng quê: 6,9km được triển khai thực hiện ở hầu hết các xã nông thôn mới góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giảm các tệ nạn xã hội.

Đến cuối năm 2020, số tiêu chí nông thôn mới bình quân/xã đạt 10,93 tiêu chí; xã Trà Phú đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn lên 02 xã (Trà Bình và Trà Phú). Chỉ đạo tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xây dựng các khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, vườn mẫu đối với xã Trà Bình và các xã có điều kiện.

* Về Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Tiểu thủ công nghiệp ở Trà Bồng chủ yếu vẫn là các nghề thủ công mang tính tự túc, tự cấp của người Co, trong đó chủ yếu là đan lát các vật dụng dùng cho sinh hoạt và sản xuất như gùi các loại, chiếu nằm, chiếu phơi lúa, mủng, giỏ nhốt gà... với những nét đan lát khá tinh xảo. Vật liệu đan chủ yếu dùng mây, cây lùng, nứa. Nghề thủ công của người Kinh thì chủ yếu là các nghề thông dụng như hồ, mộc, làm gạch ngói, rèn, khai thác đá. Từ sau năm 1975, ở Trà Bồng còn có thêm nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế, như bình ly, ống đựng tăm, quả bánh bằng vỏ quế già (quế tam sơn), nhưng việc tiêu thụ chưa nhiều.

Mặc dù cho đến trước Cách mạng tháng Tám 1945 đồng bào dân tộc Co ở Trà Bồng vẫn trong trạng thái kinh tế - xã hội thời tiền giai cấp, nhưng đã có giao thương xuôi ngược với người Việt, người Hoa từ rất sớm. Chợ Thạch An nằm ở phía tây huyện Bình Sơn là một điểm giao thương khá sầm uất từ nguồn về biển. Người Co mang quế đến bán, mua về nồi, niêu, cồng, chiêng, chè, vải, muối, gạo, rìu, rựa... tức những vật dụng thiết yếu cho sinh hoạt và sản xuất. Cũng rất phổ biến là các thương nhân người Việt mang cõng lên các làng nóc nằm ở lưng chừng các núi để thực hiện việc buôn bán tại chỗ. Từ sau năm 1975, các hình thức buôn bán như vậy vẫn rất thường thấy. Tuy nhiên, các điểm thương mại, dịch vụ, các chợ đã dần được xây dựng ở các xã, ở huyện lỵ, đã trở thành nơi tập trung buôn bán của đồng bào các dân tộc tại Trà Bồng. Chợ Trà Bồng ở trung tâm thị trấn Trà Xuân và các cửa hiệu ở xung quanh ngày càng buôn bán sầm uất. Ở các thôn, làng của đồng bào Co, thông thường mỗi nơi có một vài tiệm bán tạp hóa với các mặt hàng thiết yếu, do người Việt đảm nhiệm. Thống kê cho biết trong địa hạt Trà Bồng, tính đến thời điểm ngày 31/5/2021, huyện Trà Bồng có 945 hộ kinh doanh cá thể; 05 hợp tác xã với 90 lao động phân bố rải rác trong huyện, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là ở Trà Xuân, Trà Phú, Trà Bình.

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2016-2020 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 3.051,18 tỷ đồng, tăng bình quân 29,13%/năm. Trong đó: tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 1.991,641 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn: Công ty TNHH MTV Thủy điện Thiên Tân (11MW); Công ty TNHH Thủy điện Cà Đú (2,5 MW), Nhà máy thủy điện Sông Riềng (2,95 MW) đang vận hành tốt, đang triển khai xây dựng dự án Nhà máy thủy điện Kà Tinh, với công suất thiết kế 12MW, cung cấp đủ nguồn điện phục vụ sản xuất; Nhà máy thủy điện Trà Phong, với công suất thiết kế 30 MW, Nhà máy chế biến dăm gỗ Nhất Hưng và các cơ sở sản xuất nhang, quế như công ty TNHH Hương Quế Trà Bồng (xã Trà Sơn), Công ty TNHH MTV Dịch vụ - Thương mại Hiếu Dũng (xã Trà Sơn), Công ty TNHH WECAY (xã Trà Bình) hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu cung - cầu trên thị trường.

Cụm công nghiệp thị trấn Trà Xuân, Trà Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 với diện tích 10ha, hiện đã có 01 doanh nghiệp đã đầu tư vào cụm công nghiệp, 01 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào các cụm công nghiệp thị trấn Trà Xuân; tiếp tục đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu Quế Trà Bồng - Tây Trà, hình thành một số cơ sở chế biến lâm sản từ đó góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng. Đã quy hoạch 02 cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề (Cụm TTCN và làng nghề Trà Dinh, xã Trà Lãnh (nay là xã Hương Trà) và cụm TTCN và làng nghề Đồi Sim, xã Trà Phong). Tuy nhiên, việc kêu gọi đầu tư hạ tầng tại 02 cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gặp nhiều khó khăn, không có khả năng thu hút các ngành nghề sản xuất chế biến.

* Cơ sở hạ tầng ở Trà Bồng đã có sự phát triển khá. Từ nhiều trăm năm trước, đường từ miền xuôi lên nguồn Trà Bồng đã có, nhưng chỉ là đường đất. Trà Bồng được xem là vùng rừng thiêng nước độc, xa xôi hiểm trở. Châu lỵ Trà Bồng trước Cách mạng tháng Tám 1945 tuy đã có nhưng còn sơ sài, chỉ có đồn binh và nhà cửa của quan cai trị. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước, đường sá có phần được cải thiện hơn trước.

Cuối thập niên năm mươi của thế kỷ XX, vợ cố vấn Ngô Đình Nhu là Trần Lệ Xuân ra lệnh cho cấp dưới làm đường ở địa hạt Trà Bồng để độc quyền khai thác, buôn bán quế. Đường rừng đi Trà Phong, đường nước đi dọc các xã Trà Thuỷ, Trà Hiệp qua huyện Trà My (tỉnh Quảng Nam) có xây cầu cống, tu sửa, cầu bắc qua sông Trà Bồng được xây dựng, năm 1964 bị trận lũ lớn cuốn trôi (đến năm 2005 xây dựng lại). Tuy nhiên phải đến sau 1975, đường sá mới thật sự chuyển biến. Hiện nay, đã hình thành kết nối tuyến đường liên huyện, kết nối hệ thống đường tỉnh với đường lộ 24C (Sông Trường Bình Long), đoạn tỉnh lộ 622 từ thị trấn Trà Xuân qua cầu men theo tả ngạn sông Trà Bồng dẫn đến Trà My đã được xây dựng, nâng cấp. Đường huyết mạch từ Trà Tân đi Trà Bùi cũng đã được xây dựng; 100% các tuyến đường từ huyện về trung tâm xã được nhựa hóa, cứng hóa, trên 90% đường giao thông liên thôn, đường thôn được đầu tư nâng cấp, cải tạo đảm bảo việc giao thông thông suốt.

Hệ thống hạ tầng đô thị từng bước được xây dựng, tốc độ đô thị hóa nhanh. Nhiều công trình quan trọng được đưa vào sử dụng, góp phần to lớn vào việc thay đổi diện mạo đô thị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa như công trình Trung tâm văn hóa - thể dục thể thao huyện; Quảng trường 28/8; Tượng đài 28/8; 100% trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước trên địa bàn được đầu tư xây dựng khang trang.... Đường đô thị được nhựa hóa, cứng hóa khoảng 80%; 60% tuyến đường nội thị được lắp điện chiếu sáng; đã xây dựng 01 bãi xử lý rác thải tại thị trấn Trà Xuân; 97,6% số xã có lưới điện quốc gia; mạng lưới trường học, trạm y tế đã cơ bản phủ kín các địa bàn dân cư; hạ tầng nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc.

* Về thông tin liên lạc, ở huyện lỵ Trà Bồng có bưu điện huyện, ở các xã có nhà bưu điện văn hóa xã.

Các cơ sở công cộng, như cơ quan, trạm y tế được xây dựng ngày càng khang trang. Ở các xã người kinh, đa số nhà ở đã được ngói hóa. Ở các làng người Co và các dân tộc khác, nhiều người đã làm được nhà ngói, có làng đã ngói hóa hoàn toàn như thôn 2 xã Trà Thủy. Tuy vậy, nhìn chung đời sống của Nhân dân còn quá thấp là một trở ngại trên con đường phát triển.

* Về văn hóa: Điểm nổi bật trong văn hóa ở Trà Bồng là các di sản văn hóa cổ truyền và các hoạt động văn hóa mới. Ở dân tộc Co, di sản văn hóa khá phong phú. Trà Bồng là địa bàn cư trú chính của dân tộc Co. Nơi đây, người dân vẫn bảo tồn được các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu. Người Co vốn có tín ngưỡng nguyên thuỷ vạn vật hữu linh. Trong di sản văn hóa dân tộc Co có truyện cổ tích (đã phần nào được sưu tầm, dịch thuật và xuất bản), có các làn điệu dân ca như xà-ru, a-giới, cà-lu, a-rợp... Người Co thích đánh chiêng và có nhiều giai điệu chiêng đặc sắc. Lễ hội của người Co thì có lễ ăn lúa mới, làm nhà mới; đặc sắc có lễ cưới, lễ hội ăn trâu rất đậm màu sắc dân tộc. Trong lễ ăn trâu có cây nêu và cái gu, các bái vật hết sức độc đáo. Cây nêu của dân tộc Co được dựng khá cao, với nhiều nét hoa văn, đan, khắc tinh xảo, có hình tượng chim chèo bẻo trên đầu nêu, thể hiện quan niệm thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Co. Riêng bộ gu thờ treo trong nhà là di sản riêng có của dân tộc Co, không thể tìm thấy ở các dân tộc khác. Gu thờ có gu pi treo giữa nhà, có con chim đại bàng lớn được khắc vạch các hoa văn đỏ, trắng trên nền đen. Gu dẹt hay các la vang treo ở cửa ra vào, cửa xuống bếp và gu treo ở bếp. Trên các la vang là cả một bức tranh liên hoàn, trong đó có vẽ các hình ảnh, hoa lá, sinh hoạt rất đặc thù. Người Co còn giỏi nghề đan. Những sản phẩm đồ đan của người Co thật sự là những tác phẩm nghệ thuật, tinh xảo, đẹp mắt. Những kinh nghiệm về trồng, chế biến, khai thác quế, kinh nghiệm về chữa bệnh... cũng là những tri thức dân gian quý báu. Về di sản văn hóa Việt ở Trà Bồng, có thể kể đến những bài ca dao, các điệu hát còn lưu truyền ở những người già. Điều đáng lưu ý là có sự giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Co ở Trà Bồng khá đậm nét: người Co có bộ lễ phục áo dài vốn là sản phẩm của miền xuôi. Ở điện Trường Bà (thị trấn Trà Xuân), người Co, người Việt đều tới cúng lễ. Đền thờ hổ ở xã Trà Hiệp cũng là một biểu tượng của giao thoa văn hóa Việt - Co. Bên cạnh đó, di sản thiên nhiên ở Trà Bồng cũng rất quý, như các suối thác, đồi núi hùng vĩ và nên thơ, nổi tiếng như thác Cà Đú, thác Xăng Bay, suối Nước Nun, suối Trà Cân, suối Nang, núi Răng Cưa... Di tích thì có Điện Trường Bà (hiện đã được công nhận di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cấp quốc gia), các điểm di tích chung quanh cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Từ 1999, Nhà Bảo tàng Khởi nghĩa Trà Bồng đã được xây dựng, trưng bày các hình ảnh, hiện vật dân tộc học và về cuộc khởi nghĩa. Đó là những di sản văn hóa quý báu, có khả năng thu hút khách tham quan du lịch. Hiện nay, UBND huyện cũng đã thực hiện trùng tu, chỉnh lại đối với nơi này.

Trong các hoạt động văn hóa hiện nay, các di sản văn hóa cổ truyền đã được chú ý khai thác, phát huy. Đó là các cuộc liên hoan cồng chiêng (hiện nay Cồng chiêng và múa Cà Đáo đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia), thi trang phục dân tộc, hội diễn ca múa nhạc dân tộc, thi hát dân ca... từ phong trào văn nghệ quần chúng ở huyện, ở tỉnh. Đồng thời, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng được quan tâm. Có thể lấy mốc Cách mạng tháng Tám 1945 là thời điểm dân tộc Co ở Trà Bồng bước vào nếp sống hiện đại. Tuy nhiên, do phải trải qua hai cuộc chiến tranh, đồng bào Co chủ yếu vẫn sống theo nếp cũ. Chỉ đến sau năm 1975, đồng bào mới từ các sườn núi cao xuống thấp, định cư ở các thung lũng, bãi bỏ các tập tục lạc hậu và xây dựng đời sống mới. Vừa kế thừa các tinh hoa văn hóa cổ truyền, vừa tiếp thu văn hóa mới là nét nổi bật trong văn hóa các dân tộc ở Trà Bồng ngày nay. Các sinh hoạt thể thao quần chúng dần dần thâm nhập trong đời sống ở nhiều làng xã. Ở huyện có đài truyền thanh huyện, ở xã có đài truyền thanh xã. Sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Trà Bồng đã được cải thiện, nâng cao hơn nhiều so với trước kia.

* Về giáo dục, xưa kia, việc học dường như chỉ hạn chế ở đồng bào Việt và trong đồng bào Việt cũng chỉ có một số ít con nhà khá giả được học. Đa số dân Việt và dân Co đều mù chữ. Trải qua thời gian và các cuộc chiến tranh với rất nhiều gian khó, việc học ở Trà Bồng ngày nay đã thực sự phát triển. Giáo dục ở Trà Bồng dần dần tiến bộ và đã đi vào nề nếp. Đến năm 2020, huyện Trà Bồng hiện có 55 cơ sở giáo dục cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, trong đó: 21 trường mầm non, mẫu giáo; 13 trường tiểu học (03 trường PTDTBT TH, 10 trường TH); 13 trường trung học cơ sở (06 trường PTDTBT THCS, 02 trường PTDTNT, 05 trường THCS); 08 trường TH&THCS (06 trường PTDTBT TH&THCS, 02 trường TH&THCS); Tính đến cuối năm học 2020-2021, toàn huyện có: 13910 học sinh; trong đó: Mầm non: 3749, Tiểu học: 5987, Trung học cơ sở: 4174. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn huyện đến thời điểm cuối năm học 2020-2021 là: 1056 người (trong đó,  cán bộ quản lý: 118 người, giáo viên: 873 người, nhân viên: 65 người). Toàn huyện có 13/55 trường đạt chuẩn quốc gia (không tính THPT), đạt 23,6% (trong đó: 03 trường Mầm non; 03 trường Tiểu học; 06 trường Trung học cơ sở; 01 trường Tiểu học và Trung học cơ sở). 16/16 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xoá mù chữ. Cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư. Học sinh ra lớp ở các cấp học đạt tỷ lệ cao. Hiện nay, nhiều người dân tộc Co học lên bậc Đại học, Thạc sĩ. Một số gia đình người kinh đã nuôi con học đến Tiến sĩ. Tuy vậy, do đời sống khó khăn nên số học sinh bỏ học, nhất là ở dân tộc Co vẫn còn. Tình trạng học sinh bỏ học, đi học giã gạo vẫn còn diễn ra.

* Chăm sóc sức khoẻ là một vấn đề được quan tâm ở Trà Bồng. Xưa kia, người Việt, người Co chữa bệnh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian từ nhiều đời truyền lại. Từ sau 1975, bệnh xá huyện được xây dựng. Bệnh viện huyện hiện có 170 giường bệnh. Đồng bào Co đã cơ bản bãi bỏ việc cúng chữa bệnh. Việc ăn ở vệ sinh, dùng thuốc chữa bệnh đã trở thành phổ biến trong Nhân dân. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân được chú trọng, đạt nhiều kết quả, công tác xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế triển khai theo đúng kế hoạch, kịp thời chỉ đạo xử lý các vấn đề sức khoẻ, bảo đảm việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân được tổ chức thực hiện đúng các quy định nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được tăng cường, hệ thống y tế gồm Trung tâm y tế huyện (cơ sở 1 và cơ sở 2) và 16 trạm y tế ở 16 xã, thị trấn. Đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng, số cán bộ y tế tại TTYT huyện 120 người, Trạm Y tế xã là 105 người; trong đó có 50 bác sĩ, 16 dược sĩ, 56 y sĩ, 6 kỹ thuật viên, 38 điều dưỡng, 38 hộ sinh và một số thành phần khác. Các chương trình y tế quốc gia triển khai thực hiện đầy đủ, có hiệu quả, kịp thời phát hiện, bao vây, dập tắt dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng, nhất là đối với một số bệnh nguy hiểm; hàng năm tổ chức tiêm phòng vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi đạt 100%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường, thường xuyên tuyên truyền, truyền thông, thanh tra, kiểm tra bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm.

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên được nâng lên, đáp ứng được công tác nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới; tình trạng kết hôn sớm, tảo hôn được cải thiện rõ rệt, không để xảy ra trường hợp hôn nhân cận huyết thống; số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ dùng các biện pháp tránh thai đều tăng theo từng năm. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên tiếp tục giữ ở mức 1%, tỷ lệ giảm sinh giữ ở mức 0,2%0. Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 05 tuổi được khắc phục, đặc biệt là con em người đồng bào dân tộc thiểu số.

* Về các vấn đề xã hội: Nguồn lao động ở Trà Bồng ngày càng tăng lên về số lượng và có sự cải thiện đáng kể về chất lượng, nhờ nhiều người có học vấn cao hơn, được đào tạo ngành nghề. Với đà phát triển kinh tế, mỗi năm trên địa bàn huyện giải quyết được khoảng 400 - 500 việc làm cho người lao động. Tuy vậy, việc làm, giảm nghèo vẫn là vấn đề lớn ở Trà Bồng. Thống kê đến năm 2021, tổng số lao động trong độ tuổi là 37.612 người; trong đó số lao động có khả năng lao động là 32.754 người, số lao động trong độ tuổi không có việc làm là 2.620 người. Nhà nước đã thực hiện trợ giá, trợ cước và phát không một số mặt hàng cho đồng bào vùng cao. Số hộ nghèo ở Trà Bồng có giảm đi, nhưng tỷ lệ vẫn còn cao, hộ nghèo đến năm 2021 là 4.941 hộ, chiếm tỷ lệ 35,32%.

Chính sách người có công và an sinh xã hội được triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng đối tượng, không để tình trạng hồ sơ tồn đọng; thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khuyết tật và đối tượng gặp khó khăn đột xuất, đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Đẩy mạnh hoạt động nhân đạo, từ thiện, phong trào đền ơn đáp nghĩa; công tác bảo trợ xã hội được duy trì thường xuyên. Thực hiện tốt các chính sách và huy động mọi nguồn lực hỗ trợ giúp đỡ người nghèo như cho vay phát triển sản xuất, vay giải quyết việc làm, vay hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số, miễn giảm chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân thuộc diện khó khăn; hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công. Công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được tổ chức thực hiện tốt, đảm bảo quyền lợi của các đối tượng tham gia, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động. Công tác dân tộc, chính sách dân tộc được cấp ủy, chính quyền các cấp xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao trong Nhân dân./.

Cổng thông tin điện tử Huyện Trà Bồng - Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc UBND huyện Trà Bồng

Chịu trách nhiệm xuất bản: Ông Hồ Văn Thịnh - PCT UBND huyện Trà Bồng - Trưởng Ban Biên tập

Điện thoại liên hệ: 0982.865797