Truy cập nội dung luôn

Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi

06/04/2022 09:34    312

--------------------------

ĐẶT VẤN ĐỀ
Đất đai là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá của quốc gia; là tư liệu sản xuất đặc biệt, giới hạn về diện tích, hình thể nhưng mức độ sản xuất lại phụ thuộc vào sự đầu tư, hướng khai thác sử dụng của con người. Đất đai, thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, địa bàn phân bố và nơi diễn ra mọi hoạt động kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh và quốc phòng. Khoản 4, Điều 22 Luật Đất đai năm 2013 khẳng định: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong 15 nội dung quản lý Nhà nước về đất đai và được quy định cụ thể tại Chương 3 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm định hướng cho các cấp, các ngành lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết, là cơ sở pháp lý cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai, làm căn cứ cho việc giao đất, cho thuê đất, ... và đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một biện pháp hữu hiệu của Nhà nước nhằm hạn chế việc sử dụng đất chồng chéo, lãng phí, kém hiệu quả, ngăn chặn các hiện tượng tranh chấp, lấn chiếm, huỷ hoại đất...
Thực hiện Luật Đất đai năm 2013; Nghị định số 43/2014/NĐ/CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai; Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 06/01/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai; căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và nhu cầu sử dụng đất trong năm 2020 của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện. UBND huyện đã tiến hành xây dựng: “Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Trà Bồng” nhằm xác định diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất của cấp huyện, cấp xã trong năm kế hoạch. Đồng thời xác định vị trí, diện tích đất phải thu hồi để thực hiện công trình, dự án và diện tích đất cần chuyển mục đích sử dụng đối với các loại đất phải xin phép theo đúng quy định.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ LẬP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT
1. Căn cứ pháp lý
1.1. Các văn bản chung
- Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;
- Luật Đất đai năm 2013;
- Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
- Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 14/11/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Quảng Ngãi;
- Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013;
- Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ  sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;
- Thông tư số 29/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
- Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất;
- Công văn số 4744/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 03/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc lập Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và Lập kế hoạch sử dụng đất năm 2021 cấp huyện;
1.2. Căn cứ pháp lý lập kế hoạch sử dụng đất năm 2021
- Nghị quyết số 29/2020/NQ-HĐND ngày 31/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc thông qua danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;
- Quyết định số 123/QĐ-UBND ngày 14/6/2011 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Trà Bồng (cũ) đến năm 2020;
- Quyết định số 289/QĐ-UBND ngày 23/12/2011 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Tây Trà (cũ) đến năm 2020;
- Quyết định số 156/QĐ-UBND ngày 22/8/2011 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và bố trí dân cư huyện Trà Bồng giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020;
- Quyết định số 1201/QĐ-UBND ngày 08/8/2012 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt quy hoạch đất lúa tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2011-2020; 
- Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc Phê duyệt kết quả Rà soát điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;
- Quyết định số 516/QĐ-UBND ngày 28/06/2019 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 huyện Trà Bồng;
- Quyết định số 521/QĐ-UBND ngày 28/06/2019 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 huyện Tây Trà
- Quyết định số 199/QĐ-UBND ngày 31/3/2020 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 huyện Trà Bồng; Quyết định 346/QĐ-UBND ngày 27/5/2020 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc bổ sung các công trình, sự án kế hoạch sử dụng đất năm 2020 cấp huyện;
- Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 28/7/2020 của HĐND huyện Trà Bồng về việc dự kiến Kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2021;
- Quyết định số 2400/QĐ-UBND ngày 22/9/2020 của UBND huyện Trà Bồng về việc giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư các công trình khởi công năm 2021; 
- Quyết định số 2011a/QĐ-UBND ngày 24/9/2019 của Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng về việc phê duyệt đề cương và dự toán lập kế hoạch sử dụng đất năm 2020 huyện Trà Bồng;
- Công văn số 3278/STNMT-QLĐĐ ngày 15/9/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi về việc triển khai lập kế hoạch sử dụng đất năm 2021 cấp huyện
- Công văn số 2195/UBND-TNMT ngày 17/9/2020 của UBND huyện Trà Bồng về việc lập kế hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Trà Bồng.
1.3. Chủ đầu tư: UBND huyện Trà Bồng.
1.4. Đại diện Chủ đầu tư: Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trà Bồng.
1.5. Đơn vị thực hiện: Công ty TNHH Tư vấn Kỹ thuật Trắc địa và Xây dựng Thuận Thành.
2. Các tài liệu có liên quan
- Nghị quyết Đảng bộ huyện Trà Bồng lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Trà Bồng đến năm 2020;
- Quy hoạch sản xuất Nông - Lâm - Ngư nghiệp và bố trí dân cư huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi (giai đoạn 2011 - 2015) và định hướng đến năm 2020;
- Báo cáo thuyết minh tổng hợp điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 huyện Trà Bồng (cũ), tỉnh Quảng Ngãi;
- Báo cáo thuyết minh tổng hợp điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 huyện Tây Trà (cũ), tỉnh Quảng Ngãi;
- Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2020, nhiệm vụ và giải pháp năm 2021;
- Nhu cầu sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện; 
- Kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2020 huyện Trà Bồng;
- Quyết định thu hồi đất của các công trình, dự án, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện năm 2019 - 2020;
- Khả năng đầu tư thực hiện các dự án, công trình có sử dụng đất;
- Hồ sơ các dự án và đồ án quy hoạch, đầu tư phát triển trên địa bàn huyện;
- Số liệu kiểm kê đất đai năm 2019 (đến ngày 31/12/2019) của các xã, thị trấn, huyện Trà Bồng;
- Nhu cầu, định hướng sử dụng đất của các xã, thị trấn đến năm 2021;
- Các tài liệu đánh giá môi trường của tỉnh, của huyện;
- Bản đồ nền địa hình huyện Trà Bồng tỷ lệ 1/25.000;
- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất huyện Trà Bồng và bản đồ hiện trạng sử dụng đất của các xã, thị trấn (lập năm 2019 theo kết quả kiểm kê đất đai);
- Bản đồ, sơ đồ định hướng phát triển của các ngành trên địa bàn huyện;
- Bản đồ địa chính tỷ lệ 1/1.000 của các xã, thị trấn;
- Bản đồ quy hoạch 3 loại rừng;
- Bản đồ quy hoạch đất lúa;
- Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp 1/5.000 các xã trên địa bàn huyện.
II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NỘI DUNG LẬP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2021 CỦA HUYỆN TRÀ BỒNG
1. Mục đích, yêu cầu
1.1. Mục đích
- Tạo cơ sở pháp lý và khoa học cho việc xúc tiến đầu tư, tiến hành các thủ tục thu hồi đất, giao đất, sử dụng đất đúng pháp luật, đúng mục đích, có hiệu quả, từng bước ổn định tình hình quản lý và sử dụng đất.
- Phân bố lại quỹ đất hợp lý cho các mục đích sử dụng, phù hợp với định hướng phát triển không gian về lâu dài; đáp ứng nhu cầu về đất để phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế xã hội trên địa bàn huyện phù hợp với các chỉ tiêu sử dụng đất của các ngành cụ thể năm 2021 và trong tương lai. 
- Khoanh định, phân bố các chỉ tiêu sử dụng đất cho các ngành, các xã theo kế hoạch phải được cân đối trên cơ sở các nhu cầu sử dụng đất, đảm bảo không bị chồng chéo trong quá trình sử dụng.
1.2. Yêu cầu
- Các nhu cầu sử dụng đất phải được tính toán chi tiết đến từng công trình, từng xã phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và những yêu cầu cụ thể.
- Phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh huyện Trà Bồng.
- Bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa khai thác và sử dụng đất để phát triển kinh tế xã hội với sử dụng đất bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.
- Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
- Dân chủ và công khai.
- Bảo đảm ưu tiên quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.
2. Nội dung lập kế hoạch sử dụng đất
- Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội.
- Phân tích đánh giá hiện trạng sử dụng đất và biến động các loại đất.
- Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm trước.
- Xác định chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ kế hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh đến từng đơn vị hành chính cấp xã.
- Xác định chỉ tiêu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện trong năm kế hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp xã.
- Xác định chỉ tiêu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất năm trước chưa thực hiện hết nhưng phải phù hợp với kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp huyện.
- Xác định nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn cấp huyện.
- Cân đối chỉ tiêu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực trong năm kế hoạch và phân bổ đến từng đơn vị hành chính cấp xã.
- Xác định diện tích các loại đất cần chuyển mục đích trong năm kế hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp xã.
- Xác định diện tích đất cần phải thu hồi trong năm kế hoạch theo từng đơn vị hành chính cấp xã.
- Xác định diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng trong năm kế hoạch theo từng đơn vị hành chính cấp xã.
- Lập danh mục công trình, dự án.
- Giải pháp thực hiện kế hoạch sử dụng đất.
- Lập bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của huyện.
PHẦN I
KHÁI QUÁT VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
1. Điều kiện tự nhiên
1.1. Vị trí địa lý
Trà Bồng là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 50 km về phía Tây Bắc. Diện tích tự nhiên của huyện là: 76.040,69 ha (theo kết quả thống kê đất đai 2019, đến 31/12/2019), chiếm 14,30% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. 
Vị trí địa lý giới hạn từ: 15º 06’ 10˝ đến 15º 21’ 00˝ vĩ độ Bắc.
                   108º 21’ 30˝ đến 108º 38’ 50˝ kinh độ Đông.
Vị trí tiếp giáp của huyện với các đơn vị hành chính như sau:
- Phía Bắc giáp: Huyện Bắc Trà My và huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
- Phía Nam giáp: Huyện Sơn Hà và huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.
- Phía Đông giáp: Huyện Bình Sơn và huyện Sơn Tịnh;
- Phía Tây giáp: huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi;
Huyện Trà Bồng có 16 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn bao gồm: Thị trấn Trà Xuân và 15 xã gồm: Trà Bình, Trà Bùi, Trà Giang, Trà Hiệp, Trà Lâm, Trà Phú, Trà Sơn, Trà Tân, Trà Thủy, Hương Trà, Trà Tây, Sơn Trà, Trà Xinh, Trà Phong và Trà Thanh. Dân số toàn huyện có 53.379 người, mật độ dân số trung bình 70 người/km2. 
(Nguồn: Kiểm kê đất đai huyện Trà Bồng đến ngày 31/12/2019).
1.2. Địa hình, địa mạo
Là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở sườn núi phía Đông của dãy Trường Sơn nên địa hình của huyện thuộc vùng núi cao, có độ dốc rất lớn. Độ cao trung bình so với mặt nước biển 800 đến 1.000 m, có nhiều đỉnh cao trên 1000m như núi Tà Cút (1442m), núi Cà Đam - xã Trà Tây (1415m), núi Răng Cưa (1.100m), núi Chóp Vung (905m), núi Hòn Giót (865m).  Địa hình của huyện thấp dần từ Tây sang Đông, độ dốc bình quân 150 - 200, m. Mặt khác, sông suối tạo thành có lòng hẹp nên mùa mưa lũ thường xảy ra lũ quét, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Các núi cao trên địa bàn huyện như núi Cà Tút (1.442 m), núi Cà Đam (1.415m), 
* Địa hình Trà Bồng có thể chia ra làm 03 vùng chính:
- Vùng thứ nhất: Vùng trung tâm gồm thị trấn Trà Xuân và 02 xã Trà Bình, Trà Phú, có địa hình tương đối bằng phẳng với độ dốc bình quân từ 0 - 80. Độ cao trung bình so với mặt biển khoảng 40 - 100 m. Tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp; phát triển thương mại - dịch vụ; cây công nghiệp nguyên liệu chế biến; chăn nuôi gia cầm tập trung, chất lượng cao, an toàn; thu hút, kêu gọi nhà đầu tư để phát triển du lịch tại xã Trà Bình, thị trấn Trà Xuân.
- Vùng thứ hai: Vùng thấp gồm 06 xã Trà Sơn, Trà Hiệp, Trà Thủy, Trà Giang, Trà Tân và Trà Bùi, có địa hình tương đối cao với độ dốc bình quân từ 7 - 150. Độ cao trung bình so với mặt biển khoảng 400 m - 600 m. Vùng này thuận lợi phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trên 1 đơn vị diện tích; phát triển diện tích cây quế; trồng rừng phòng hộ đầu nguồn để bảo vệ nguồn nước cho các lưu vực sinh thủy của công trình thủy lợi; kêu gọi thu hút đầu tư nhà máy chế biến nông sản và đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái Cà Đam, du lịch Trà Bói, Cà Đú, Xen Bay,...800 đến 1.000 m
- Vùng thứ ba: Vùng cao gồm 07 xã Trà Lâm, Hương Trà, Sơn Trà, Trà Tây, Trà Phong, Trà Xinh và Trà Thanh, có địa hình cao với độ dốc bình quân từ 15 - 200. Độ cao trung bình so với mặt biển khoảng 700 m - 1000 m. Vùng này thuận lợi để mở rộng diện tích trồng quế; phát triển các loại cây trồng, con vật nuôi đặc trưng của địa phương như: cây Hường, Chè, Gừng gió, Heo bản địa; xác lập vùng trồng cây gỗ lớn trong quy hoạch trồng rừng sản xuất và rừng phòng hộ để kết hợp trồng cây dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng; trồng rừng phòng hộ đầu nguồn để bảo vệ nguồn nước cho các lưu vực sinh thủy của công trình thủy lợi; bảo vệ môi trường cảnh quan thu hút đầu tư du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Nước Trong.
(Nguồn: Báo cáo thuyết minh điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất năm 2020 
huyện Trà Bồng).
1.3. Thủy văn
Chế độ thủy văn của huyện chịu ảnh hưởng chính của sông Trà Bồng, sông Giang, sông Trà Bói, Sông Trường, sông Trà Ích, sông Riềng và sông Tang và hệ thống các con suối dày đặc như suối Cà Đú, suối Cân, suối Nun, ...
Sông Trà Bồng dài khoảng 45 km, là một trong những con sông lớn trong tỉnh, phát nguyên từ núi Răng Cưa chảy xuyên qua huyện Trà Bồng và huyện Bình Sơn đến thôn Giao Thuỷ (xã Bình Dương) lại chảy về hướng Đông Bắc, đổ ra cửa Sa Cần. Lưu vực của sông Trà Bồng lớn nhưng dòng chảy ngắn, cạn và độ dốc cao với lưu lượng dòng chảy bình quân trong năm là 12,6 m3/giây, lưu lượng mùa lũ >3000 m3/giây, mùa cạn 3,2 m3/giây. Sự hình thành lũ và số lượng các cơn lũ trên sông phụ thuộc vào thời gian và cường độ mưa ở tâm mưa Trà Bồng. Dòng chảy có cường độ mạnh, gây tác hại cho sản xuất và đời sống, tuy nhiên cũng mang về cho đôi bờ một lượng phù sa đáng kể, những năm gần đây ven sông, suối Trà Bồng, nơi có đất phù sa, các cây đậu phụng, đậu xanh, mía... cho năng suất cao. Mặt khác, với địa hình cao, độ dốc lớn, sông suối, ghềnh thác chằng chịt, mưa nhiều đã và đang tạo cho Trà Bồng nguồn thủy điện dồi dào phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt đời sống nhân dân.
(Nguồn: Báo cáo thuyết minh điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất năm 2020
huyện Trà Bồng).
1.4. Khí hậu, thời tiết
Mang đặc thù của khí hậu nhiệt đới gió mùa Duyên hải Nam Trung Bộ với yếu tố địa hình sườn Đông Trường Sơn chi phối, đặc điểm khí hậu của huyện được thể hiện rõ theo 2 mùa: Mùa khô từ tháng 02 đến tháng 9 và mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 01 năm sau.
1.4.1. Nhiệt độ
Giờ nắng trung bình cả năm là 2.343 giờ (từ tháng 4 - 7 trung bình 250 - 270 giờ/tháng và tháng 10 đến tháng 02 năm sau từ 120 - 180 giờ/tháng) cho thấy Trà Bồng có nền nhiệt độ tương đối cao:
Nhiệt độ bình quân hàng năm: 23,50C;
Nhiệt độ tối cao:  35 - 380C;
Nhiệt độ tối thấp: 150C.
1.4.2. Lượng mưa
Tổng lượng mưa bình quân năm tương đối lớn (3.000 mm), nhưng phân bố không đều theo các tháng trong năm; tập trung nhiều ở các tháng 9, 10, 11 với lượng mưa bình quân 400 - 500mm/tháng, giai đoạn này chiếm tới 70 - 75% lượng mưa cả năm. Các tháng 2, 3 và 4 có lượng mưa thấp nhất, trung bình khoảng từ 60 - 70mm/tháng. Với lượng mưa phân bố không đều và thời gian mưa khác nhau nên đã phần nào gây khó khăn đến đời sống và sản xuất của người dân trên địa bàn huyện.
1.4.3. Độ ẩm không khí
Độ ẩm không khí trung bình hàng năm khá lớn, bình quân năm là 88% -90%, tháng cao nhất 92%, tháng thấp nhất 74%. Thời kỳ có độ ẩm cao nhất từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau, ẩm độ cực đại vào khoảng tháng 11,12. Trong mùa nắng (khô) đặc biệt vào những tháng cuối mùa khô lượng mưa ít, độ ẩm không khí thấp, lượng nước bốc hơi cao, làm tăng khả năng hạn hán, việc phát triển các loại cây trồng nông - lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn.
1.4.4. Gió, bão
Huyện Trà Bồng chịu ảnh hưởng của 2 mùa gió chính:
+ Gió mùa đông: Hướng gió chủ yếu là Đông Bắc - Tây Nam, thịnh hành từ tháng 10 đến tháng 02 năm sau.
+ Gió mùa hè: Hướng gió thịnh hành là Đông Nam xuất hiện từ tháng 02 đến tháng 9.
Vận tốc gió trung bình là 2,8 m/giây, tốc độ gió lớn nhất 20 - 40 m/giây. Ngoài ra vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 9 thường xuất hiện thời tiết khô nóng, với thời gian khoảng 10 - 25 ngày, đây là hậu quả của gió mùa Tây Nam vượt dãy Trường Sơn xuống đồng bằng ven biển và các thung lũng thấp.
Nhìn chung, trong những năm gần đây tỉnh Quảng Ngãi nói chung và huyện Trà Bồng nói riêng đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như thiên tai, bão lụt, hạn hán diễn ra với cường độ mạnh dần theo thời gian, đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến tài nguyên đất và môi trường sinh thái.
(Nguồn: Báo cáo thuyết minh tổng hợp điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Trà Bồng)
2. Các nguồn tài nguyên 
2.1. Tài nguyên đất
Tổng diện tích đất tự nhiên (ước tính đến ngày 31/12/2019) của huyện Trà Bồng là 76.040,69 ha. Theo bản đồ đất tỉnh Quảng Ngãi tỷ lệ 1/100.000, do Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp xây dựng (Hội nghị nghiệm thu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 22 tháng 4 năm 2006) thì tài nguyên đất huyện Trà Bồng có 5 nhóm đất với 6 đơn vị đất. Diện tích, đặc điểm và địa bàn phân bố các nhóm, loại đất như sau:
2.1.1. Nhóm đất phù sa
Có diện tích khoảng 2.162,0 ha, chiếm 2,83% diện tích tự nhiên toàn huyện, với 1 đơn vị đất chính là đất phù sa được bồi chua (Pbc), tập trung chủ yếu dọc theo sông Tang, trên địa bàn xã Trà Xinh (khoảng 54,0 ha), ở xã Trà Phú, Trà Bình, thị trấn Trà Xuân (khoảng 2.108,0 ha). Đất phù sa của huyện được tạo thành chủ yếu do quá trình lắng đọng phù sa của các dòng sông Tang. Do địa hình phức tạp, các dãy núi xen kẽ, các vật liệu phù sa còn được bổ sung bởi các sản phẩm dốc tụ hay lũ tích từ các dãy núi. Nước ngập phụ thuộc vào nước lũ đổ về từ các dãy núi phía Tây và thường rút đi rất nhanh. Do vậy, đặc điểm chung của đất phù sa huyện là có thành phần cơ giới nhẹ và trung bình (cát pha thịt trung bình, thịt nhẹ). Nhóm đất này được chia làm 03 loại chính:
- Đất phù sa đốm rỉ: Có thành phần cơ giới từ cát đến thịt pha cát, hàm lượng chất hữu cơ, Lân và Kali trong đất nghèo cho nên thích hợp trồng các loại cây như lúa, mía,…
- Đất phù sa chua: Có thành phần cơ giới nhẹ đến trung tính, đất cát pha và thịt nhẹ, thoát nước tốt. Hàm lượng chất hữu cơ, Lân và Kali trong đất nghèo, thích hợp cho việc trồng các loại cây như đậu phộng, bắp,…
- Đất phù sa còn lại: bao gồm:
+ Nhóm đất đỏ vàng và vàng đỏ trên đá Mácma acid: Phân bố ở khắp tất cả các vùng trong huyện có độ dốc trên 250, nhóm đất này thường hay bị xói mòn mạnh nên hàm lượng chất dinh dưỡng kém mất sức sản xuất;
+ Nhóm đất vàng trên phù sa cổ: Có diện tích ít hơn. Trên đất này có thể trồng nhiều loại cây khác nhau như chè, cafê, cam, quýt, ngô, khoai, … nhóm đất này có đặc điểm là tơi xốp, tầng đất dày tuy nhiên khi sử dụng nên đầu tư các biện pháp chống xói mòn, bổ sung hàm lượng phân hữu cơ, vô cơ vì đất này nghèo dinh dưỡng;
+ Nhóm đất dốc tụ: Chủ yếu phân ở các thung lũng do sản phẩm dốc tụ hình thành.
+ Nhóm đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước: Tập trung chủ yếu ở 3 xã vùng thấp Trà Xuân, Trà Phú, Trà Bình. Đất này thích hợp cho việc trồng lúa nước trên vùng đồi núi nhưng do tính chất dễ bị thoái hóa, bạc màu nên cần phải chú ý bảo vệ để sử dụng ổn định lâu dài.
+ Nhóm đất đỏ vàng trên đá biến chất: Phân bố rải rác ở khắp các vùng của xã Trà Xinh, Thị trấn Trà Xuân, Trà Phú và xã Trà Bình.
+ Nhóm đất phù sa ngòi, suối: Tập trung ở Trà Phú, Trà Bình và thị trấn Trà Xuân có thành phần cơ giới nhẹ. Đây là loại đất phù hợp cho việc sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng.
+ Nhóm đất bạc màu trên đá Mácma acid: Chiếm diện tích nhỏ, có thể nói đây là loại đất có độ phì tự nhiên thấp vì vậy khi sử dụng cần chú ý đến các biện pháp dinh dưỡng, nếu sử dụng biện pháp canh tác hợp lí loại đất này có thể trồng các loại cây trồng như: cây họ đậu, cây lương thực, ngô, …
2.1.2. Nhóm đất xám (AC)
Có diện tích khoảng 39.386,15 ha, chiếm 51,79% diện tích tự nhiên toàn huyện, với 1 đơn vị đất chính (đất xám bạc màu trên đá macma axit và đá cát (Ba). Phân bố trên địa bàn các xã: Trà Phong (48,84 ha), Trà Tây (121,17 ha), Hương Trà (35,14 ha), Trà Tân, Trà Bùi, Trà Hiệp, Trà Lâm, Trà Giang, Trà Thủy, Trà Sơn (39.818,0 ha) . Đất hình thành phát triển trên các loại đá mẹ mẫu chất khác nhau trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm, khoáng sét đã bị biến đổi, có quá trình rửa trôi sét và các cation kiềm tạo cho đất có tầng tích tụ sét. Tầng Bt có thể có kết von (Btc) có glây (Btg) hoặc tích luỹ sắt (Bts). Phân bố thành những vùng tập trung, quy mô diện tích lớn. Nhóm đất này được chia thành 05 loại đất chính:
- Đất xám mùn: Đất có thành phần cơ giới từ cát pha thịt đến thịt pha sét và cát, hàm lượng Kali, Lân thấp thích hợp cho bảo vệ và tái tạo rừng.
- Đất xám Feralit: Đất có thành phần cơ giới nhẹ, từ cát pha thịt đến thịt pha sét và cát, thoát nước tốt. Hàm lượng chất hữu cơ trong đất dao động từ nghèo đến giàu, Lân trong đất thấp, Kali trong đất từ nghèo đến khá, thích hợp cho trồng cây nông nghiệp và các loại cây lâu năm theo hướng công nghiệp.
- Đất xám lẫn đá: Có thành phần cơ giới thịt pha cát hoặc cát pha thịt. Hàm lượng chất hữu cơ trong đất từ nghèo đến trung bình, lân trong đất rất nghèo, Kali tổng số ở mức nghèo đến trung bình, thích hợp cho khoanh nuôi tái tạo rừng hoặc trồng mới rừng.
- Đất xám kết von: Có thành phần cơ giới từ thịt pha cát hay pha sét. Hàm lượng chất hữu cơ thấp, lân và kali trong đất rất nghèo. Thích hợp với trồng lúa nước và cây mía, ngoài ra có thể trồng các loại cây như chuối, đu đủ,.. 
- Đất xám tầng loang lổ: Có thành phần cơ giới từ thịt nặng đến thịt nhẹ. Hàm lượng chất hữu cơ và đạm trong đất trung bình, lân trong đất nghèo. Đối với đất xám tầng loang lổ nông, thích hợp trồng cây nông nghiệp như lúa, mía.., đối với đất xám loang lổ sâu, thích hợp với trồng cây công nghiệp, cây ăn quả như na, cam, bưởi...
2.1.3. Nhóm đất đỏ vàng (F):
Có diện tích khoảng 30.547,24 ha, chiếm 40,17% diện tích tự nhiên, với 2 đơn vị đất chính là đất đỏ vàng trên đá macma axít và đất đỏ vàng trên đá phiến sét và biến chất.
- Đất đỏ vàng trên đá macma axít (Fa) có diện tích 25.758,93 ha, chiếm 76,26% diện tích tự nhiên. Phân bố khắp trên địa bàn huyện; xã có diện tích lớn nhất là Trà Xinh, với 7.612,93 ha, chiếm 24,92% diện tích tự nhiên và xã có diện tích nhỏ nhất là Trà Tây, với 431,87 ha, chiếm 1,41% diện tích tự nhiên. Đất hình thành phát triển trên đá mẹ là đá mác ma a xít, chủ yếu là đá granít trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm, quá trình rửa trôi diễn ra mãnh liệt, quá trình tích luỹ sắt, nhôm… phổ biến. Đất có màu vàng đỏ. Có nhiều đá lẫn và đá lộ đầu.
- Đất đỏ vàng trên đá phiến sét và biến chất (Fs) có diện tích 4.788,31 ha, chiếm 14,18% diện tích tự nhiên. Phân bố trên địa bàn các xã: Trà Phong (600,0 ha), Trà Tây (3.473,55 ha), Trà Xinh (240, ha), Hương Trà (53,17 ha) và Sơn Trà (423,59 ha). Đất hình thành phát triển trên đá mẹ là đá sét hoặc đá biến chất, chủ yếu là đá sét. Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm, quá trình rửa trôi diễn ra mạnh, quá trình tích luỹ sắt, nhôm… phổ biến. Đất có màu đỏ vàng, vàng đỏ.
2.1.4. Nhóm đất mùn vàng đỏ (HA):
Có diện tích khoảng 1.840,72 ha, chiếm 2,42% diện tích tự nhiên, với 1 đơn vị đất chính (đất mùn vàng đỏ trên đá phiến sét và biến chất (Ha)). Phân bố trên địa bàn các xã: Trà Phong (190,0 ha), Trà Tây (119,16 ha), Hương Trà (179,48 ha), Trà Thanh (149,87 ha) và Sơn Trà (602,21 ha). Đất được hình thành và phát triển trên độ cao nhất định (>1000m), nơi có thảm thực vật là rừng hoặc rừng mới bị khai phá đưa vào sản xuất nông nghiệp.
2.1.5. Nhóm đất thung lũng dốc tụ (DG)
 Có diện tích khoảng 491,18 ha, chiếm 0,64% diện tích tự nhiên, với 1 đơn vị đất chính (đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ (D)). Phân bố trên địa bàn các xã: Trà Phong (42,0 ha), Trà Tây (356,65 ha), Trà Xinh (28,0 ha) và Trà Tây (64,53 ha). 
Nhìn chung, huyện Trà Bồng khá đa dạng về loại đất, phân bố trên nhiều địa hình khác nhau tạo ra nhiều vùng sinh thái, thích hợp với các loại cây trồng, đặc biệt là cây lâm nghiệp ở vùng đồi núi. Tuy nhiên trong quá trình khai thác, sử dụng trong nhiều năm trước còn chưa hợp lý, do tập quán canh tác, do ý thức,... đã làm cho nhiều nơi bị xói mòn, rửa trôi và suy thoái chất lượng đất.
(Nguồn: Báo cáo thuyết minh tổng hợp điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Trà Bồng)
2.2. Tài nguyên rừng
2.2.1. Thảm thực vật
Trải qua thời gian dài của chiến tranh rừng bị tàn phá, sau ngày giải phóng công tác bảo vệ rừng chưa được chú trọng trong những năm qua đã làm cho diện tích rừng Trà Bồng giảm mạnh. Cùng với đó hệ sinh thái rừng cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Khả năng tái sinh rừng trên địa bàn huyện rất yếu, cộng với sự xói mòn các chất dinh dưỡng nên trên các khu vực gò trống, đồi trọc thực vật chủ yếu là các loài cây bụi, cỏ dại như: sim, mua, cỏ tranh, xen kẽ một vài loài cây lấy gỗ nhỏ rải rác trong các khe nước và thung lũng.
Trong thời gian qua, được địa phương tổ chức bằng nhiều biện pháp trồng cây, khoanh nuôi, tái sinh và trồng mới rừng, diện tích trên vẫn giữ được mức ổn định, đã mang lại lợi ích đáng kể.
Rừng tự nhiên của huyện chỉ còn lại trên các dãy núi cao và ranh giới giữa huyện Trà Bồng với tỉnh Quảng Nam, chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn với thành phần loài cây tán rộng, tre nứa...
Rừng trồng với các loại cây trồng như quế, bạch đàn, keo, quế và gió bầu. Tuy nhiên quá trình trồng rừng còn chưa phục vụ nhiều cho công nghiệp chế biến.
2.2.2. Hệ động vật rừng
Thảm thực vật rừng: Rừng tự nhiên, (rừng giàu) quần thể tương đối khép kín từ 2 đến nhiều tầng, đã có một số cây đường kính lớn có thể khai thác sử dụng gỗ lớn, (rừng nghèo) tán rừng bị phá vỡ từng mảng lớn, tầng trên còn sót lại cây cao to phẩm chất xấu, dây leo, bụi rậm xâm lấn. Rừng sản xuất chủ yếu là các loại cây keo lai, bạch đàn trắng, quế và lồ ô... Thảm thực vật tự nhiên góp phần cung cấp gỗ, chất đốt, các lâm sản và cải thiện môi trường, cải thiện nguồn nước của địa phương.
Về động vật chỉ có khoảng 30 loài (nhím, chồn, cầy, lợn rừng, khỉ ...) và một số loài bò sát (trăn, rắn, kỳ đà), một số loài chim quý,… 
2.3. Tài nguyên nước 
Là huyện nằm ở đầu nguồn và nằm trong lưu vực sông Trà Bồng, có hệ thống sông suối tương đối đa dạng nên tài nguyên nước khá phong phú.
2.3.1. Nguồn nước mặt  
Nguồn nước mặt tương đối phong phú, đáp ứng được khả năng tưới tiêu cho phần lớn diện tích canh tác, là yếu tố chính quyết định bảo đảm sự tăng trưởng của nền nông nghiệp trong huyện hiện nay và tương lai. Nguồn nước mặt của huyện chủ yếu được cung cấp bởi nguồn nước mưa (lượng mưa hàng năm khoảng 2.300mm), hệ thống sông, suối (sông Trà Bồng, sông Tang, sông Giang, suối Cha Năng...), hệ thống hồ chứa (có 11 hồ chứa) và đập dâng (có 81 đập các loại) cùng nhiều ao hồ nhỏ khác trong khu dân cư. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, dòng sông ngắn, độ dốc cao nên việc khai thác lượng nước mặt cho sản xuất và sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Phân bố nước lại không đều giữa các mùa trong năm cũng gây trở ngại không ít trong việc sử dụng nguồn nước. Vào mùa cạn thường hạn hán, ngược lại vào mùa mưa tốc độ dòng chảy lớn thường có lũ lụt, cả lũ quét, gây sạt lở, thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống của nhân dân trong huyện.  
2.3.2. Nguồn nước ngầm 
Theo số liệu của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi thì nguồn nước ngầm của huyện khá phong phú, có ở khắp nơi. Tất cả các loại nước ngầm đều có chất lượng đủ tiêu chuẩn dùng cho sinh hoạt, (đặc biệt là nước khoáng Thạch Bích). Điều kiện khai thác dễ dàng đáp ứng yêu cầu cả khai thác đơn giản trong sinh hoạt của nhân dân và khai thác quy mô công nghiệp. Tuy nhiên hiện tại mới chỉ khai thác phục vụ cho sinh hoạt và sử dụng nguồn nước ngầm mạch nông ở độ sâu từ 4 - 10 m.
2.4. Tài nguyên khoáng sản 
Theo quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt tại Quyết định số 547/QĐ-UBND ngày 09/8/2017, Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 15/9/2020 của UBND tỉnh Quảng Ngãi (phê duyệt bổ sung) thì tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện chủ yếu là đá xây dựng (5.782.230m3), cát xây dựng (556.900 m3), đất làm vật liệu xây dựng (10.069.160 m3), cụ thể:
- Đá xây dựng: Có trữ lượng khoảng 5.782.230 m3, nằm ở các vị trí như Mỏ đá thôn 3, xã Trà Thủy (trữ lượng 342.080 m3), mỏ đá Núi Tre, xã Trà Sơn (trữ lượng 1.000.000 m3), Mỏ đá núi Vàng Nhỡ, xã Trà Sơn (trữ lượng 4.145.200 m3), Mỏ đá Trà Dinh, xã Hương Trà (trữ lượng 295.230 m3) 
- Cát xây dựng: Có trữ lượng khoảng 556.900 m3, nằm ở các vị trí ven sông của xã Trà Sơn, Trà Xuân, Trà Phú, Trà Bình. Trà Tân và xã Sơn Trà (mỏ cát Thôn Hạ)…
 - Đất làm vật liệu xây dựng: Có trữ lượng khoảng 10.069.160 m3, nằm ở các xã Trà Thủy, Trà Hiệp, Trà Sơn và xã Trà Giang…
- Ngoài ra, còn có suối khoáng Thạch Bích là một trong những nguồn nước khoáng tốt nhất của Việt Nam.
Nhìn chung, Trà Bồng có tiềm năng về tài nguyên dùng làm vật liệu xây dựng cần được khai thác, phát triển không những đáp ứng được nhu cầu xây dựng trong huyện mà còn phát triển ra các thị trường khác.
2.5. Tài nguyên du lịch
Tiềm năng cho phát triển du lịch chưa khai thác được nhiều. Huyện Trà Bồng có thể phát triển du lịch đa dạng như: du lịch tâm linh, nhân văn, du lịch tham quan truyền thống văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, ... 
Núi cao và đẹp như núi Cà Đam, núi Răng Cưa, ... Thác lớn như Cà Đú, Hà Doi, Hà Nang, Trà Bói sẽ là điều kiện tốt để có thể tổ chức du lịch tham quan thưởng ngoạn, thể thao mạo hiểm núi và nghỉ dưỡng, ...
Cùng với di tích lịch sử cả vùng Tây Quảng Ngãi, Trà Bồng có thể tổ chức các điểm và tour du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch về nguồn. Huyện còn có các sản phẩm văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc đến nay vẫn còn được bảo tồn gìn giữ, đó là các loại hình văn hoá vật thể và phi vật thể dân tộc ít người như: Các công cụ truyền thống cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Cor; các lễ hội đặc sắc riêng như lễ đâm trâu, lễ cồng chiêng; các loại hình nghệ thuật hát dân ca Xà Ru, A Giới, Cà Ru, A Rợp, ... 
Tuy nhiên, cho tới nay ngành du lịch của huyện mới ở mức sơ khai, còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế nhất định, đó là: Cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ cho phát triển du lịch và sản phẩm du lịch còn nghèo nàn chưa tương xứng với tiềm năng về du lịch của huyện. Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập thấp vì thế nhận thức của người dân về phát triển du lịch chưa sâu sắc. 
2.6. Tài nguyên nhân văn
Trên địa bàn huyện có dân tộc Kor, Kinh, Hrê, Xơ Đăng, Kà Dong, Hoa… có ý nghĩa to lớn đối với du lịch. Mỗi một dân tộc có một phong tục tập quán riêng biệt bao gồm những phong tục tập quán trong sản xuất, sinh hoạt và trong tín ngưỡng, hội hè... cùng với những món ăn đặc sản mang đậm nét của mỗi dân tộc là những tài nguyên du lịch nhân văn rất hấp dẫn đối với khách du lịch, nhất là các du khách quốc tế. Thêm vào đó, lịch sử văn hiến, truyền thống cách mạng, người dân trong huyện mến khách, nhiệt thành, cần cù sáng tạo, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm, thành quả đạt được trong lao động sản xuất cũng là nền tảng vững chắc cho ngành du lịch phát triển.
Cộng đồng người Cor còn giữ gìn nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đặc sắc; trong đó Lễ hội mừng mùa có ý nghĩa gần như Tết Nguyên đán của người Việt và là một sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng độc đáo, giàu tính nhân văn.   
(Nguồn: Báo cáo thuyết minh tổng hợp điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Trà Bồng)
3. Thực trạng môi trường
Trước thực tế tình trạng môi trường đang dần dần bị suy thoái tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước nhưng dưới sự chỉ đạo quan tâm của UBND tỉnh, thêm vào đó được thiên nhiên ưu đãi nên tình trạng ô nhiễm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nói chung và huyện Trà Bồng nói riêng là chưa đáng kể. Tuy nhiên về lâu dài, với tốc độ phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa như hiện nay thị cần có các giải pháp quyết liệt nhằm bảo đảm phát triển môi trường một cách bền vững
3.1. Thực trạng môi trường không khí
Do là một huyện chưa phát triển về công nghiệp, dịch vụ cùng với đặc trưng là một huyện miền núi với nhiều cây xanh, sông suối, các nguồn thải và không khí không đáng kể nên đến nay tình trạng không khí trên địa bàn huyện còn khá trong lành.
3.2. Thực trạng môi trường nước
Nguồn nước sử dụng của người dân trên huyện Trà Bồng chủ yếu là nguồn nước mặt và nước ngầm, tuy tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở đây chưa đến mức báo động nhưng hiện nay đã xuất hiện một vài điểm ô nhiễm cục bộ, nhất là những tụ điểm khu dân cư nông thôn, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trên địa bàn huyện. Trong tương lai nếu không chú trọng đến biện pháp bảo vệ có thể ảnh hưởng đến môi trường nước trên địa bàn huyện.
3.3. Thực trạng môi trường đất
Hiện nay do nhiều nguyên nhân như trình độ canh tác người dân lạc hậu, tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra khốc liệt nên nhiều diện tích đất cũng ngày càng dần dần biến đổi theo chiều hướng xấu. Diện tích đất bị xói mòn, rửa trôi ngày càng diễn ra mạnh mẽ đặc biệt ở những khu vực đất dốc. Thêm vào đó tình trạng hạn hán cũng diễn ra với mức độ thường xuyên hơn kéo theo đất đai trở nên chai cứng, hàm lượng chất dinh dưỡng trong đất suy giảm nghiêm trọng và đó cũng là nguyên nhân diện tích canh tác của người dân ngày càng bị thu hẹp vì vậy trong thời gian tới huyện cần có các biện pháp nhằm hạn chế để tránh ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân.
3.4. Tình trạng suy thoái tài nguyên rừng 
Rừng có một vai trò rất quan trọng đối với đời sống và đặc biệt rất quan trọng đối với người dân huyện Trà Bồng. Tuy nhiên hiện nay tình trạng suy thoái rừng đặc biệt là rừng tự nhiên trên địa bàn huyện ngày càng nghiêm trọng. Biện pháp trồng rừng và tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng của tài nguyên rừng là một biện pháp cần thiết trong thời gian tới.
3.5. Môi trường nông nghiệp và nông thôn
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, huyện Trà Bồng đang đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, nhường chỗ cho cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, mặt khác, các tuyến giao thông và các công trình hạ tầng khác cũng chiếm đất nông nghiệp khá lớn; vì vậy môi trường khu vực nông thôn có nhiều thay đổi và bị ảnh hưởng của một số vấn đề sau:
- Quỹ đất và chất lượng đất giảm sút, hiện tượng thoái hóa, bạc màu xảy ra khá phổ biến do quá trình canh tác còn chưa hợp lý, đặc biệt là trên đất dốc.
- Hàng năm, đất đai bị sạt lở, xói mòn, rửa trôi, khô hạn, thoái hóa do nạn chặt phá rừng, sản xuất thiếu đầu tư khoa học kỹ thuật.
- Việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật chưa hợp lý ngày càng tăng đã ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng. Lượng tồn dư các hóa chất vào môi trường đất, nước đã gây ô nhiễm cục bộ, làm giảm đa dạng sinh học và tăng suy thoái môi trường đất.
- Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước sạch còn thấp. Nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là giếng khơi, giếng đất và sông suối. Các xã Trà Bình, Trà Phú, Trà Sơn, Trà Phong và  thị trấn Trà Xuân đã có hệ thống thu gom chất lượng tốt.
(Nguồn: Báo cáo Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội huyện giai đoạn 2011 - 2020 và Báo cáo thuyết minh tổng hợp điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020)
II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI
1. Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
1.1. Tăng trưởng kinh tế
Tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 1.264,030 tỷ đồng, đạt 100,89% kế hoạch năm, tăng 52,57% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: 
Giá trị sản xuất ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp đạt 188,810 tỷ đồng, đạt 73,74% kế hoạch. Trong đó: Nông - lâm - ngư nghiệp đạt 271,354 tỷ đồng, đạt 75,07% kế hoạch; Công nghiệp - Xây dựng đạt 650,574 tỷ đồng, đạt 115,22% kế hoạch; Thương mại - Dịch vụ đạt 342,102 tỷ đồng, đạt 104,66% kế hoạch. 
1.2. Cơ cấu kinh tế 
Cơ cấu ngành kinh tế đến thời điểm báo cáo: Nông - Lâm - Ngư nghiệp 21,47%; Công nghiệp - Xây dựng 51,47%; Thương mại - Dịch vụ 27,06%.
 
(Nguồn:Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và Nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2020 của UBND huyện Trà Bồng)
2. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế
2.1. Sản xuất Nông - Lâm - Ngư nghiệp
2.1.1. Trồng trọt
Tổng sản lượng lương thực có hạt là 8.452 tấn, đạt 82,8% kế hoạch, đạt 82,8% kế hoạch huyện giao, đạt 86,3% kế hoạch tỉnh giao. Tổng diện tích gieo sạ lúa nước là 1.535,3 ha đạt 81,1% kế hoạch năm; năng suất bình quân 43,7 tạ/ha, đạt 99,3% kế hoạch năm; sản lượng 6.701 tấn, đạt 80,5% so với kế hoạch năm. Diện tích trồng lúa rẫy là 315 ha, đạt 101,6% kế hoạch năm, năng suất bình quân đạt 13,7 tạ/ha đạt 101,9% so với kế hoạch năm; sản lượng đạt 432 tấn, đạt 103,6% so với kế hoạch năm. Diện tích trồng ngô 438,6 ha, đạt 92,3% kế hoạch năm, năng suất bình quân đạt 30,1 tạ/ha đạt 97,1% so với kế hoạch năm; sản lượng đạt 1.319 tấn, đạt 89,6% so với kế hoạch năm. Các cây hoa màu khác phát triển ổn định, sản lượng thu hoạch đạt được ở một số cây hoa màu chủ yếu phần lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2019.
2.1.2. Chăn nuôi
Đàn trâu 762 con, đạt 98,8% so với kế hoạch; dàn bò 14.688 con, đạt 100,5% so với kế hoạch, trong đó tỷ lệ bò lai đạt 30%; đàn lợn 14.570 con, đạt 74,6% so với kế hoạch; đàn gia cầm khoảng 102.450 con; đàn dê 465 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 950 tấn, bằng 60,3% so với kế hoạch năm.
Đàn lợn giảm là do ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu phi, ngay từ đầu năm huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Ngoài ra, trong những tháng đầu năm 2020, Dịch lở mồm long móng xảy ra trên địa bàn, tổng số trâu, bò bị bệnh là 158 con; tổng số trâu, bò chết là 02 con; số trâu, bò khỏi triệu chứng 156 con, đã triển khai việc cách ly chuồng trại, tiêu độc, khử trùng và theo dõi điều trị theo quy định.
2.1.3. Lâm nghiệp
Tổng diện tích rừng hiện có đến thời điểm hiện nay là 57.065,8 ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm 21.897,6 ha, rừng trồng đã thành rừng 35.168,18ha.
Trồng rừng sản xuất khoảng 2.000 ha (trồng lại sau khai thác), đạt 55,6% kế hoạch năm (2.000/3.600 ha), trồng cây phân tán khoảng 49.000 cây, đạt 59,03% so với kế hoạch (49.000/83.000 cây). Khai thác gỗ rừng trồng khoảng 2.050 ha, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ước khoảng 164.000 tấn. Sản lượng                   khai thác lâm sản ngoài gỗ (quế, đót, tre, nứa) ước khoảng 3.200 tấn. Độ che phủ rừng đạt 60,27% kể cả cây phân tán.
Tổng diện tích được giao khoán bảo vệ rừng là 17.468 ha, trong đó giao khoán theo Nghị quyết 30a là 5.384,5 ha; giao khoán theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ là 6.899,5 ha; giao khoán dịch vụ môi trường rừng, bảo vệ và phát triển rừng là 5.185 ha. Tổng diện tích hỗ trợ bảo vệ rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ 4.666,79 ha.
Công tác tuyên truyền, tuần tra, truy quét, quản lý bảo vệ rừng, tuần tra truy quét được thực hiện thường xuyên, duy trì tốt các bảng dự báo cấp cháy rừng, bảo dưỡng các thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng đảm bảo sử dụng tốt.
2.1.4. Ngư nghiệp: 
Tổng diện tích nuôi trồng 45 ha, trong đó khoảng 15,5 ha là ao nuôi của các hộ gia đình, gồm các loại cá basa, trắm cỏ, rô phi, cá mè, cá lóc và 01 hộ nuôi cá thương phẩm tại xã Trà Thủy, với khoảng 70.000 con cá thả/lần. Sản lượng thu hoạch ước đạt 75 tấn, đạt 71,4% kế hoạch năm.
2.1.5. Công tác thủy lợi, phòng chống hạn: 
Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã đưa vào khai thác sử dụng 121 công trình thủy lợi phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có 06 hồ chứa, 115 đập dâng, tổng diện tích được tưới khoảng 1.279,81 ha (2 vụ) đạt 91,5% kế hoạch năm. Công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi được tiến hành thường xuyên, kịp thời quản lý, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ.
2.1.5. Về xây dựng nông thôn mới: 
Trong năm 2020, nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 14,085 tỷ đồng, để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất; hiện nay, các đơn vị, địa phương được giao kế hoạch vốn đang triển khai thực hiện. 
2.1.6. Phát triển kinh tế tập thể: 
Hiện trên địa bàn huyện có 05 hợp tác xã (tại 04 xã Trà Bình 01 HTX, Trà Phú 02 HTX, Trà Thủy 01 HTX, Trà Tây 01 HTX) đang hoạt động. Tiếp tục triển khai các hình thức hỗ trợ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao tại xã Trà Bình, xây dựng các khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, vườn mẫu đối với xã Trà Bình và các xã có điều kiện phát triển loại hình kinh tế này.
2.2. Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp
Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước đạt 424,852 tỷ đồng, đạt 129,27% so với kế hoạch năm. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn: Công ty TNHH MTV Thủy điện Thiên Tân (11MW); Công ty TNHH Thủy điện Cà Đú (2,5 MW), Nhà máy thủy điện Sông Riềng (2,95 MW) đang vận hành tốt; hiện đang triển khai xây dựng dự án Nhà máy thủy điện Kà Tinh, với công suất thiết kế 12MW đảm bảo cung cấp nguồn điện phục vụ sản xuất và Nhà máy thủy điện Trà Phong với công suất thiết kế 30 MW; Nhà máy chế biến dăm gỗ Nhất Hưng và các cơ sở sản xuất nhang, quế hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu cung - cầu trên thị trường.
2.3. Thương mại - dịch vụ
Tập trung lực lượng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn giá trước, trong, sau Tết Nguyên Đán 2020 và trong tình hình dịch Covid-19 xảy ra. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm ước đạt 632,542 tỷ đồng (theo giá hiện hành).
2.4. Công tác quản tài nguyên và môi trường
Trong năm, đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường trình tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 huyện Trà Bồng làm cơ sở để thực hiện công tác thu hồi đất; Hoàn thành công tác kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 huyện Trà Bồng. 
Công tác thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất dự án thực hiện đảm bảo theo đúng quy định. Công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ được xử lý và trả hồ sơ đúng hạn cho công dân. Đã thực hiện tiếp nhận 66 hồ sơ (chuyển mục đích 31 hồ sơ, Cấp mới giấy chứng nhận 35 hồ sơ), đến nay đã xử lý và trả hồ sơ cho công dân đúng hạn là 55 hồ sơ (chuyển mục đích 27 hồ sơ, cấp mới giấy chứng nhận 28 hồ sơ), còn 11 hồ sơ hiện đang giải quyết theo quy định. 
Công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện được tăng cường, thực hiện thu hồi giấy phép khai thác đã hết hiệu lực và quyết định đóng cửa mỏ đối với 10 điểm bồi tụ cát, sỏi lòng sông trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép và thường xuyên kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác đất san lấp và cát, sỏi lòng sông trái phép, đến nay tình trạng khai thác vàng trái phép cơ bản đã được xử lý, không còn tái diễn. 
2.5. Thu, chi ngân sách nhà nước
Sau sáp nhập huyện, đã thực hiện việc điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và chi ngân sách địa phương năm 2020 của huyện Trà Bồng mới; Điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách xã năm 2020 đối với các xã: Hương Trà, Sơn Trà và Trà Tây. Hoàn thành công tác quyết toán ngân sách năm 2019 đối với các đơn vị dự toán, ngân sách xã và các đơn vị được hỗ trợ trên địa bàn
Thu ngân sách huyện đạt 657,051 tỷ đồng đạt 125,5% so với dự toán giao; trong đó, thu nội địa đạt 30,984 tỷ đồng, đạt 63,2% so với dự toán (30,984/49,037 tỷ đồng). Tổng chi ngân sách đạt 421,043 tỷ đồng, đạt 80,4% so với dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển 75,398 tỷ đồng, chi thường xuyên 345,645 tỷ đồng.
Ngân hàng chính sách xã hội huyện: Tổng nguồn vốn huy động là 335,045 tỷ đồng. Tổng doanh số cho vay cho các chương trình đạt 80,546 tỷ đồng/1.940 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách. Tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đến 15/9/2020 đạt 334,614 tỷ đồng, tăng 16,233 tỷ đồng so đầu năm. Nợ quá hạn 77 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng so với đầu năm, tỷ lệ nợ quá hạn 0,027%.
2.6. Đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng
Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển trên địa bàn huyện là 288.388,046 triệu đồng, giá trị giải ngân đến 31/8/2020 là 178.980,813 triệu đồng, đạt 62,06% so với kế hoạch vốn giao. Trong đó: Tổng kế hoạch vốn do UBND tỉnh phân khai là 200.931,721 triệu đồng, giá trị giải ngân đến 31/8/2020 là 126.835,262 triệu đồng, đạt 63,12% kế hoạch vốn. Tổng kế hoạch vốn ngân sách huyện phân khai là 87.456,325 triệu đồng, giá trị giải ngân đến 31/8/2020 là 52.145,551 triệu đồng, đạt 59,62% kế hoạch vốn.
Đối với nguồn vốn phân cấp ngân sách huyện năm 2020 là 28.747 triệu đồng, giá trị giải ngân đến 31/8/2020 là 17.231,498 đạt 59,94% kế hoạch vốn.
3. Văn hóa - xã hội
3.1. Lao động, việc làm, công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội
Công tác thực hiện chính sách xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Thực hiện hỗ trợ bằng tiền mặt cho 2.940 hộ, 11.547 khẩu ở miền núi, hộ nghèo được hưởng chế độ bảo trợ xã hội ở đồng bằng được hỗ trợ gạo “đỏ lửa” với tổng số tiền 2.078,46 triệu đồng (180.000 đồng/khẩu, tương ứng với 15kg gạo x 12.000 đồng/kg) đảm bảo đúng đối tượng và thời gian quy định. Tổ chức nghiệm thu mặt bằng nhà bia tưởng niệm xã Trà Hiệp - công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm Trà Bồng khởi nghĩa (28/8/1959-28/8/2019).
Công tác lao động, việc làm: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức "Ngày hội tư vấn tuyển sinh- định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm" tại trường Trung học phổ thông Trà Bồng, có khoảng 220 em học sinh tham dự. Kết quả trong 9 tháng đầu năm đã đào tạo nghề cho khoảng 312 lao động, đạt 44,6% kế hoạch (312/700) lao động, trong đó có 15 lao động tham gia xuất khẩu; tạo việc làm mới cho khoảng 308 lao động, đạt 51,33% kế hoạch (308/600) lao động.
Công tác giảm nghèo: Tiếp tục đôn đốc các xã, thị trấn hoàn thiện phiếu C (điều tra, rà soát hộ nghèo) để nhập phần mềm quản lý. Tổng hợp kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2018 trên địa bàn huyện. Xây dựng và triển khai kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2019. Thực hiện rà soát và phê duyệt danh sách những hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg năm 2019 là 85 hộ. Tổ chức rà soát, thống kê việc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng chính phủ là 106 nhà, trong đó hỗ trợ xây mới là 40 nhà, sửa chữa là 66 với tổng kinh phí là 2.920 triệu đồng. Đến nay đã thực hiện xây dựng và sửa chữa là 99 nhà (trong đó xây mới 35 nhà, sửa chữa 64 nhà với kinh phí 2.680 triệu đồng) còn 07 nhà không có nhu cầu nên nộp trả ngân sách số tiền 240 triệu đồng.
3.2. Giáo dục và Đào tạo
Triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch học kỳ II, năm học 2019-2020; Tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021. Hướng dẫn các đơn vị trường học rà soát và đảm bảo điều kiện học tập trực tuyến (qua Internet, trên truyền hình) trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 
Đến nay, tổng số trường học trên địa bàn huyện là 57 trường (21 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 08 trường TH&THCS, 13 trường THCS và 02 trường THPT). Có 13 trường đạt chuẩn Quốc gia (Mầm non 03 trường, Tiểu học 03 trường, THCS 06 trường, THPT 01 trường). Tiếp tục giữ vững phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và xóa mù chữ ở 16/16 xã, thị trấn.
3.3. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân
Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh; Công tác phòng chống dịch bệnh thường xuyên được kiểm tra, theo dõi, nhắc nhở. Đã ghi nhận 13 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết ở thị trấn Trà Xuân và 02 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng  (01 ở Trà Sơn và 01 ở Trà Phú). Các Chi hội, hội viên thực hiện tuyên truyền, giới thiệu việc chăm sóc sức khỏe bằng Y học cổ truyền lồng ghép trong các hoạt động y tế, khám chữa bệnh ở cơ sở. Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe thường xuyên, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu cho người dân. Tổ chức thành công Đại hội đại biểu Hội Đông y huyện Trà Bồng khóa II, nhiệm kỳ 2019-2024.
3.4. Văn hoá thông tin, Thể dục thể thao, Truyền thanh truyền hình
Các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn huyện tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ kinh tế chính trị, các hoạt động chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2019; tuyên tryền các ngày lễ lớn của huyện, tỉnh, của cả nước. Tổ chức các hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu Mặt trận TQVN huyện nhiệm kỳ 2019-2024. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thành công các hoạt động và Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Khởi nghĩa Trà Bồng và Miền Tây Quảng Ngãi. Tổ chức thành công lễ hội Điện Trường Bà Trà Bồng năm 2019. Tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe cộng đồng năm 2019 trên địa bàn huyện với hơn 600 cán bộ, công nhân viên chức lao động trên địa bàn huyện và nhân dân thị trấn tham gia. 
3.5. Dân tộc và miền núi
Hướng dẫn các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc năm 2019. Thực hiện cấp không thu tiền một số hàng thiết yếu cho đồng bào dân tộc thiểu số nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 với tổng kinh phí 725.754.500 đồng, với tổng số đối tượng được hỗ trợ là 4.032 hộ, 17.207 khẩu (trong đó: Muối Iot 17.207 kg, nước mắm 8.064 lít, dầu ăn 4.032 lít, bột ngọt 1.721 kg). Chuẩn bị các nội dung tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Trà Bồng lần thứ III năm 2019. Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. 
(Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2020 của UBND huyện Trà Bồng)
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG
1. Những thuận lợi
Trà Bồng là một huyện miền núi với diện tích đất lâm nghiệp chiếm khoảng 51.632,18 ha, chiếm 67,9% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, đây là điều kiện thuận lợi cho Trà Bồng phát triển kinh tế rừng. Trong đó cây quế là một loại cây truyền thống có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện.
- Địa hình Trà Bồng bị chia cắt mạnh bởi các khối núi và sông suối chằng chịt trong thung lũng nhỏ hẹp là lợi thế để huyện phát triển các hệ thống thủy điện vừa và nhỏ đảm bảo điện cho địa phương cũng như hòa lưới điện quốc gia. Ngoài ra trên địa bàn huyện có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp gắn liền với nhiều di tích lịch sử văn hóa là một trong những điều kiện để huyện phát triển ngành du lịch sinh thái.
- Tài nguyên khoáng sản của Trà Bồng trữ lượng tuy nhỏ nhưng cũng có thế mạnh về một số loại khoáng sản như mỏ đá, cát, sỏi, đặc biệt là suối nước Khoáng Thạch Bích đã có uy tín nhiều năm qua ở trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh. 
- Kinh tế của huyện trong thời gian qua đã chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất tăng trưởng tương đối cao theo từng năm phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hỗ trợ từ các nguồn vốn 134, 135, Nghị quyết 30a, ... nên cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước, trường, trạm, ...) ngày càng phát triển, nâng cao đời sống nhân dân đặc biệt là đồng bào ở các xã vùng sâu, vùng xa trong huyện. 
2. Những khó khăn
- Với diện tích đồi núi lớn, có độ dốc cao đã gây trở ngại cho việc sản xuất nông nghiệp, giao lưu thông thương giữa các vùng trong huyện.
- Khí hậu Trà Bồng tương đối khắc nghiệt, mùa nắng nhiệt độ trung bình khá cao thường gây ra hạn hán; mùa mưa có lượng mưa nhiều thường gây ra lũ lụt, sạt lỡ núi dẫn đến phải di dời chỗ ở, gây khó khăn trở ngại cho đời sống nhân dân.
- Tài nguyên khoáng sản hạn chế chủ yếu là các khoáng sản phục vụ cho xây dựng nên tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp khoáng sản thấp.
- Kinh tế có phát triển nhưng còn chậm so với mặt bằng chung của các địa phương khác trong tỉnh. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nhỏ, việc hợp tác liên doanh, kêu gọi đầu tư trong và ngoài tỉnh gặp nhiều khó khăn.
- Nguồn nhân lực cho phát triển còn thiếu, trình độ lao động kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội. 
Để theo kịp nhịp độ phát triển như hiện nay và đẩy nhanh phát triển kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phải mất một quỹ đất lớn để xây dựng các công trình sản xuất và phục vụ sản xuất. Việc xây dựng mới hay mở rộng các công trình hiện có chủ yếu lấy từ đất nông nghiệp dễ canh tác, vị trí đẹp, ... Vì vậy phải bố trí hợp lý, tiết kiệm đất theo hướng sử dụng triệt để về không gian, giữ vững các vùng đất canh tác nông nghiệp năng suất cao, ổn định và các vùng đất lúa đã được quy hoạch.
IV. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI
1. Tình hình quản lý sử dụng đất đai 
Luật Đất đai năm 2013 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã thâm nhập đi vào cuộc sống, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từng bước được chỉnh sửa bổ sung hoàn thiện hơn, đề cập mối quan hệ đất đai tương đối phù hợp với thực tế, nhất là thể hiện các quan điểm mới phù hợp với cơ chế thị trường và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó thủ tục hành chính được cải tiến, tạo mọi điều kiện cho người đang sử dụng đất phát huy hiệu quả tối đa. 
Trên cơ sở quy định của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức thi hành Luật Đất đai, các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nội dung các văn bản đã tập trung vào các vấn đề bức xúc của huyện như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy định giá đất; về giao đất và thu tiền sử dụng đất; về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, … 
Về công tác đo đạc đánh giá phân hạng đất của huyện đang còn thừa kế những sản phẩm trước đây chưa có điều kiện lập bản đồ đất chính xác. Vì vậy công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này gặp nhiều khó khăn. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành bảng giá các loại đất để làm cơ sở tính thuế chuyển quyền SDĐ, thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trên địa bàn huyện.
Công tác lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Pháp luật về đất đai, theo định kỳ 5 năm 1 lần trên phạm vi toàn huyện. 
Về công tác quy hoạch sử dụng đất: UBND huyện đã tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020. Hàng năm huyện đã tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch sử dụng đất, trình UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời thực hiện niêm yết công khai tại trên cổng thông tin điện tử của UBND huyện để nhân dân được biết và tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch được duyệt. 
Huyện đã hoàn thành công tác đo đạc lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/1.000 cho 10 xã, thị trấn (10 xã, thị trấn thuộc huyện Trà Bồng cũ), cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn 06 xã phía tây của huyện (các xã thuộc huyện Tây Trà cũ) chưa được đo đạc bản đồ 1/1000; Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/5000 cơ bản đã hoàn thành và cập nhật chỉnh lý biến động theo từng vùng cụ thể; Tiếp tục triển khai nhiệm vụ xây dựng phương án giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Tuy nhiên tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai vẫn xảy ra như lấn chiếm đất công, xâm canh, lấn chiếm, tranh chấp đất đai của người dân các xã, huyện lân cận, chuyển nhượng đất trái pháp luật, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... gây khó khăn cho công tác quản lý, sử dụng đất đai theo quy định. Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức rà soát, đo đạc lập bản đồ đối với loại diện tích này để có hướng giải quyết hợp lý, ngày càng đưa công tác quản lý Nhà nước về đất đai một tốt hơn.
2. Hiện trạng sử dụng đất và biến động các loại đất
2.1. Phân tích hiện trạng sử dụng các loại đất
2.1.1 Diện tích phân theo đơn vị hành chính
Tổng diện tích tự nhiên trên địa bàn huyện Trà Bồng là: 76.040,69 ha.
Toàn huyện có 16 đơn vị hành chính cấp xã. Diện tích xã lớn nhất là Trà Xinh  với 8.060,66  ha, chiếm 10,60%  diện tích tự nhiên toàn huyện, nhỏ nhất là thị trấn Trà Xuân với 593,26 ha, chiếm 0,78% diện tích tự nhiên toàn huyện.
Bảng 1. Diện tích tự nhiên phân theo đơn vị hành chính
TT Chỉ tiêu Diện tích năm 2020 (ha) Cơ cấu (%)
Toàn huyện 76.040,69 100
1 TT. Trà Xuân 593,26 0,78
2 Xã Trà Bình 2.184,04 2,87
3 Xã Trà Bùi 6.299,09 8,28
4 Xã Trà Giang 3.707,77 4,88
5 Xã Trà Hiệp 4.997,18 6,57
6 Xã Trà Lâm 3.466,51 4,56
7 Xã Trà Phú 1.591,05 2,09
8 Xã Trà Sơn 5.735,43 7,54
9 Xã Trà Tân 5.935,98 7,81
10 Xã Trà Thuỷ 7.614,07 10,01
11 Xã Hương Trà 4.947,51 6,51
12 Xã Trà Tây 6.957,81 9,15
13 Xã Sơn Trà 4.990,15 6,56
14 Xã Trà Xinh 8.060,66 10,60
15 Trà Phong 4.035,40 5,31
16 Trà Thanh 4.924,79 6,48
(Nguồn: Báo cáo kết quả thống kê đất đai năm 2019 và kết quả thực hiện ước đến ngày 31/12/2020 huyện Trà Bồng)
Hiện trạng sử dụng đất trên địa bàn huyện Trà Bồng cơ cấu như sau:
- Đất nông nghiệp (NNP) có: 71.655,19 ha, chiếm  94,23% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện;
- Đất phi nông nghiệp (PNN) có: 4.188,11 ha, chiếm 5,51% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện;
- Đất chưa sử dụng (CSD) có : 197,39 ha, chiếm 0,26% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện.
 
2.1.2. Diện tích đất phân theo mục đích sử dụng
a. Đất nông nghiệp
Đất nông nghiệp có 71.655,19 ha, chiếm 94,23% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó:
- Đất trồng lúa: có 1.357,44 ha, chiếm 1,89% tổng diện tích đất nông nghiệp (trong đó đất chuyên trồng lúa nước có diện tích 1.096,40 ha). Đất chuyên trồng lúa nước chủ yếu trên nhóm đất phù sa, phân bố nhiều ở các xã, thị trấn: Trà Bình: 257,99 ha, Trà Phú 141,93 ha, Trà Xuân 117,58 ha, …
- Đất trồng cây hàng năm khác: có diện tích 1.671,16 ha, chiếm 2,33% tổng diện tích đất nông nghiệp. Đất trồng cây hàng năm khác chủ yếu trên các nhóm đất phù sa, đất xám; phân bố nhiều ở các xã, thị trấn: Hương Trà 281,89 ha, Sơn Trà 199,55 ha, Trà Phú 181,92 ha, Trà Phong 177,37 ha, …
- Đất trồng cây lâu năm: có diện tích 16.981,17 ha, chiếm 23,70% đất nông nghiệp, phân bố ở hầu hết các xã, nhưng tập trung nhiều tại xã: Trà Tây 2.218,63 ha, Hương Trà 1.874,83 ha, Trà Thủy 1.786,45 ha, …
- Đất rừng phòng hộ: có diện tích 22.664,50 ha, chiếm 31,63% đất nông nghiệp, phân bố ở hầu hết các xã, nhưng tập trung nhiều tại các xã: Trà Xinh 5.765,68 ha, Trà Thủy 2.972,90 ha, Trà Tây 2.932,49 ha, …
- Đất rừng sản xuất: có diện tích 28.962,41 ha, chiếm 40,42% diện tích đất nông nghiệp, tập trung nhiều tại các xã: Trà Tân 4.152,27 ha, Trà Bùi 3.237,89 ha, Trà Sơn 2.844,24 ha, …
- Đất nuôi trồng thủy sản: có diện tích 9,10 ha, chiếm 0,01% diện tích đất nông nghiệp, phân bổ nhiều nhất là xã Trà Bình với diện tích 5,46 ha;
- Đất nông nghiệp khác: Có diện tích 9,42 ha chiếm 0,01%, phân bố ở hai xã Trà Tân 7,92 ha và Trà Thủy 1,50 ha.
b. Đất phi nông nghiệp
Diện tích đất phi nông nghiệp có 4.188,11 ha, chiếm 5,51% tổng diện tích tự nhiên.
Trong đó:
- Đất quốc phòng: có diện tích 36,43 ha, chiếm 0,87% diện tích đất phi nông nghiệp, phân bổ tại: thị trấn Trà Xuân 21,62 ha, Trà Thuỷ 2,90 ha, Trà Phú 6,28 ha, Trà Sơn 4,40 ha, Trà Phong 1,22 ha;
- Đất an ninh: có diện tích 1,50 ha, chiếm 0,04% diện tích đất phi nông nghiệp, phân bố ở thị trấn Trà Xuân 0,93 ha và xã Trà Phong 0,57 ha;
- Đất cụm công nghiệp: có diện tích 2,12 ha, chiếm 0,05% diện tích đất phi nông nghiệp, phân bổ ở thị trấn Trà Xuân;
- Đất thương mại, dịch vụ: có diện tích 1,68 ha, chiếm 0,04% diện tích đất phi nông nghiệp. Đất thương mại dịch vụ ở xã Trà Xuân 0,86 ha, Trà Tân 0,46 ha, Trà Phong 0,36 ha;
- Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp: có diện tích 9,61 ha, chiếm 0,23% diện tích đất phi nông nghiệp, phân bổ ở thị trấn Trà Xuân 2,52 ha, Trà Hiệp 1,76 ha, Trà Bình 4,89 ha, Trà Sơn 0,35 ha, Trà Phong 0,09 ha;
- Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản: Có diện tích 1,57 ha, chiếm 0,04% diện tích đất phi nông nghiệp. Diện tích loại đất này phân bố ở xã Trà Bình;
- Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã: chiếm tỷ trọng cao 50,95% với diện tích 2.136,26 ha. Trong loại đất này, đất sử dụng cho các mục đích giao thông và thủy lợi chiếm tỷ lệ lớn; các mục đích còn lại như đất cơ sở văn hóa, đất cơ sở y tế, đất cơ sở giáo dục đào tạo, ... chiếm tỷ lệ nhỏ;
- Đất di tích lịch sử, văn hoá: có diện tích 0,72 ha, chiếm 0,02% diện tích đất phi nông nghiệp, phân bổ ở thị trấn Trà Xuân 0,21 ha, Trà Hiệp 0,50 ha, Trà Tây 0,01 ha;
- Đất bãi thải, xử lí chất thải: có diện tích 2,80 ha, chiếm 0,07% diện tích đất phi nông nghiệp, loại đất này có trên địa bàn xã Trà Phú 0,01 ha, TT Trà Xuân 2,00 ha, Hương Trà 0,79 ha;
- Đất ở tại nông thôn: có 350,60 ha, chiếm 8,36% diện tích đất phi nông nghiệp, trong đó: Trà Bình 37,87 ha, Trà Sơn 37,08 ha, Trà Phong 36,76 ha, …
- Đất ở tại đô thị: có diện tích 45,81 ha, chiếm 1,09% diện tích đất phi nông nghiệp phân bổ ở thị trấn Trà Xuân;
- Đất xây dựng trụ sở cơ quan: có diện tích 14,53 ha, chiếm 0,35% diện tích đất phi nông nghiệp. Diện tích này có nhiều nhất ở TT.Trà Xuân với 4,07 ha và ít nhất ở Trà Bùi với diện tích 0,09 ha;
- Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp: có diện tích 2,28 ha, chiếm 0,05% diện tích đất phi nông nghiệp. Diện tích này có ở TT.Trà Xuân 1,27 ha, Trà Hiệp 0,23 ha, Trà Tân 0,31 ha, Trà Phú 0,10 ha, Trà Bình 0,29 ha, Trà Giang 0,06 ha, Trà Tây 0,02 ha;
- Đất cơ sở tôn giáo: có diện tích 0,43 ha, chiếm 0,01% diện tích đất phi nông nghiệp. Đất cơ sở tôn giáo trên địa bàn thị trấn Trà Xuân;
- Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng: có diện tích 202,23 ha, chiếm 4,82% diện tích đất phi nông nghiệp;
- Đất sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ: có diện tích 3,69 ha, chiếm 0,09% diện tích đất phi nông nghiệp, phân bố ở xã Hương Trà 1,94 ha và Trà Thủy 1,75 ha;
- Đất sinh hoạt cộng đồng: có diện tích 7,81 ha chiếm 0,19% diện tích đất phi nông nghiệp, phân bổ nhiều nhất ở xã Trà Hiệp 1,91 ha và ít nhất ở xã Trà Sơn 0,09 ha;
- Đất khu vui chơi, giải trí công cộng: có diện tích 0,32 ha, chiếm 0,01% diện tích đất phi nông nghiệp, phân bổ trên địa bàn xã Trà Bình;
- Đất cơ sở tín ngưỡng: có diện tích 0,93 ha, chiếm 0,02% diện tích đất phi nông nghiệp. Đất cơ sở tôn giáo trên địa bàn thị trấn Trà Xuân 0,11 ha, Trà Bình 0,08 ha và Trà Phú 0,75 ha;
- Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối: 1.358,52 ha, chiếm 32,40% diện tích đất phi nông nghiệp, phân bố đều ở tất cả các xã;
- Đất có mặt nước chuyên dùng: 12,77 ha chiếm 0,30% diện tích đất phi nông nghiệp, có ở xã Trà Thủy 0,19 ha, xã Trà Bình 12,31 ha, xã Trà Phú 0,21 ha, Hương Trà 0,02 ha, Trà Phong 0,02 ha, Sơn Trà 0,02 ha; 
- Đất phi nông nghiệp khác: có 0,05 ha nằm trên địa bàn thị trấn Trà Xuân.
c. Đất chưa sử dụng
Toàn huyện còn 197,39 ha đất chưa sử dụng, chiếm 0,26% diện tích tự nhiên. Diện tích nhiều nhất trên địa bàn xã Trà Tây 64,82 ha, ít nhất trên địa bàn xã Trà Giang 0,30 ha.
d. Đất đô thị
Toàn huyện có 593,26 ha đất đô thị, chiếm 0,78% diện tích tự nhiên toàn huyện. Trong đó: 
- Đất nông nghiệp: diện tích 388,51 ha, chiếm 65,44% đất đô thị;
- Đất phi nông nghiệp: diện tích 202,23 ha, chiếm 34,14% đất đô thị; 
Trong đó: Đất ở tại đô thị 45,81 ha, chiếm 7,72% diện tích đất đô thị; 
- Đất chưa sử dụng: diện tích 2,51 ha, chiếm 0,42% đất đô thị. 
2.2. Phân tích đánh giá biến động các loại đất
2.2.1. Biến động tổng quỹ đất đai
Theo kết quả thống kê đất đai năm 2019 (đến ngày 31/12/2019) và kết quả thực hiện các công trình, dự án ước hoàn thành đến ngày 31/12/2020, tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 76.040,69 ha. So với số liệu thống kê năm 2019, tổng quỹ đất đai năm 2020 của huyện không biến động.
2.2.2. Biến động theo các mục đích sử dụng giai đoạn 2019 - 2020
a. Đất nông nghiệp
Năm 2019 có 71.672,36 ha, đến năm 2020 là 71.655,19 ha; Diện tích giảm 17,17 ha. Diện tích giảm do chuyển mục đích để xây dựng công trình Xây dựng trụ sở Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trà Bồng; Đường UBND xã Trà Giang đi nóc Ông Bình, thôn 2 (hạng mục cầu treo); Xây dựng nhà văn hóa thôn 1; Đường BTXM tuyến QL24C đi đến đội 1, thôn Bình Thanh; Đường BTXM tuyến nhà ông Cuộc đến nhà ông Chi; Xây dựng khu thể thao xã Trà Phú; BTXM tuyến đường từ ngã 3 đi tổ 1 thôn Cát (Đoạn cuối); Nước sinh hoạt tổ 2, tổ 5 thôn Vuông (52 hộ); Điện sinh hoạt tổ 6 thôn Vuông; Tuyến đường tổ 10 đi Ruộng Liên; Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ xã Trà Hiệp; ...
Diện tích đất nông nghiệp không thay đổi mục đích sử dụng đất là 71.655,19 ha.
Biến động diện tích của các loại đất nông nghiệp cụ thể như sau:
(1). Đất trồng lúa
Năm 2019 có 1.358,36 ha, đến năm 2020 là 1.357,44 ha, giảm 0,92 ha do chuyển sang đất phát triển hạ tầng 0,68 ha; đất xây dựng trụ sở cơ quan 0,24 ha.
Diện tích đất trồng lúa không thay đổi mục đích sử dụng là 1.357,44 ha.
(2). Đất trồng cây hằng năm khác 
Năm 2019 có 1.674,31 ha, đến năm 2020 là 1.671,16 ha, giảm 3,15 ha do chuyển sang đất phát triển hạ tầng.
Diện tích đất trồng cây hằng năm khác không thay đổi mục đích sử dụng là 1.671,16 ha.
(3). Đất trồng cây lâu năm 
Năm 2019 có 16.989,00 ha, đến năm 2020 là 16.981,17 ha, giảm 7,83 ha do chuyển sang đất phát triển hạ tầng.
Diện tích đất trồng cây lâu năm không thay đổi mục đích sử dụng là 16.980,49 ha.
(4). Đất rừng sản xuất
Năm 2019 có 28.967,68 ha, đến năm 2020 là 28.962,41 ha, giảm 5,27 ha do chuyển sang đất phát triển hạ tầng 1,27 ha; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa 4,00 ha. 
     Diện tích đất rừng sản xuất không thay đổi mục đích sử dụng là 28.962,41 ha.
(4). Đất rừng phòng hộ
Diện tích năm 2020 có 22.664,50 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019.
(6). Đất nuôi trồng thuỷ sản
Diện tích năm 2020 có 9,10 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019.
(7). Đất nông nghiệp khác
Diện tích năm 2020 có 9,42 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019.
b. Đất phi nông nghiệp
Năm 2019 có 4.170,89 ha, đến năm 2020 có 4.188,11 ha, tăng 17,22 ha do được chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang.
Diện tích đất phi nông nghiệp không thay đổi mục đích sử dụng là 4.188,11 ha.
Biến động các loại đất phi nông nghiệp cụ thể như sau:
(1). Đất quốc phòng 
Diện tích năm 2020 là 36,43 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019.
(2). Đất an ninh
Năm 2020 có 1,50 ha, đến năm 2020 là 1,50 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019.
Diện tích đất an ninh không thay đổi mục đích sử dụng là 0,91 ha.
(3). Đất cụm công nghiệp
Diện tích năm 2020 là 2,12 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019.
(4). Đất thương mại, dịch vụ
Năm 2020 có 1,68 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019.
 (5). Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp
Diện tích năm 2020 là 9,61 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019.
(6) Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản
Diện tích năm 2020 là 1,57 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019.
(7). Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh,cấp huyện, cấp xã
Năm 2019 có 2.118,08 ha, năm 2020 là 2.131,69 ha, tăng 13,61 ha.
Thực tăng 15,16 ha do xây dựng công trình Đường UBND xã Trà Giang đi nóc Ông Bình, thôn 2 (hạng mục cầu treo); Xây dựng nhà văn hóa thôn 1; Đường BTXM tuyến QL24C đi đến đội 1, thôn Bình Thanh; Đường BTXM tuyến nhà ông Cuộc đến nhà ông Chi; Xây dựng khu thể thao xã Trà Phú; Nhà văn hóa thôn Tây; Khắc phục sạt lỡ Trường trung học cơ sở Trà Phong; Hệ thống nước sinh hoạt thôn Trà Reo; Đường BTXM từ nhà bà Lý đến xóm Ka tét, thôn Trà Niu, xã Trà Phong; Đường BTXM tuyến đường từ nhà ông Thí - nhà ông Vũ, Trường mẫu giáo thôn Tây đến nhà ông Hồng, ông Thanh, ông Tàu; BTXM tuyến đường từ ngã 3 đi tổ 1 thôn Cát (Đoạn cuối); Nước sinh hoạt tổ 2, tổ 5 thôn Vuông (52 hộ); ...
Thực giảm 1,55 ha do chuyển sang đất xây dựng trụ sở cơ quan 0,02 ha và 1,53 ha do chu chuyển nội bộ.
Diện tích đất phát triển hạ tầng không thay đổi mục đích sử dụng là 2.131,69 ha.
(8). Đất có di tích lịch sử - văn hóa
Diện tích năm 2020 là 0,72 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019.
(9). Đất bãi thải, xử lí chất thải
Diện tích năm 2020 là 2,80 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019.
(10). Đất ở nông thôn
Diện tích năm 2019 là 350,65 ha, đến năm 2020 là 350,60 ha, giảm 0,05 ha do chuyển sang đất phát triển hạ tầng.
Diện tích đất ở nông thôn không thay đổi mục đích sử dụng là 350,60 ha.
(11). Đất ở đô thị 
Năm 2020 có 45,81 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019.
 (12). Đất xây dựng trụ sở cơ quan
Diện tích năm 2019 là 14,37 ha, đến năm 2020 là 14,53 ha, tăng 0,16 ha 
Thực tăng 0,26 ha do thực hiện công trình Xây dựng trụ sở Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trà Bồng
Thực giảm 0,10 ha do chuyển sang đất phát triển hạ tầng.
Diện tích đất xây dựng trụ sở cơ quan không thay đổi mục đích sử dụng là 14,53 ha.
 (13). Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp 
Diện tích năm 2020 là 2,28 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019.
(14). Đất cơ sở tôn giáo
Năm 2020 có 0,43 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019.
 (15). Đất nghĩa trang, nghĩa địa, xây dựng nhà hỏa táng, nhà tang lễ
Diện tích năm 2019 là 198,23 ha, đến năm 2020 là 202,23 ha, tăng 4,0 ha do thực hiện công trình Nghĩa trang nhân dân tập trung huyện Trà Bồng (nghĩa trang nhân dân Phú Xuân) 
(16). Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm 
Năm 2020 có 3,69 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019.
 (17). Đất sinh hoạt cộng đồng
Năm 2020 có 7,81 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019.
        (18). Đất khu vui chơi giải trí công cộng 
Diện tích năm 2020 là 0,32 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019. 
 (20). Đất sông ngòi, kênh rạch suối 
Diện tích năm 2019 là 1.359,02 ha, đến năm 2020 là 1.358,52 ha, giảm 0,50 ha do chuyển sang đất phát triển hạ tầng.
(21). Đất có mặt nước chuyên dùng
Diện tích năm 2020 là 12,77 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019. 
 (22). Đất phi nông nghiệp khác
Diện tích năm 2020 là 0,05 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019. 
c. Đất chưa sử dụng
Diện tích năm 2019 là 197,44 ha, đến năm 2020 là 197,39 ha, giảm 0,05 ha do chuyển sang đất phát triển hạ tầng.
d. Đất đô thị
Diện tích năm 2020 là 593,26 ha, không có sự biến động về diện tích so với năm 2019. 
* Đánh giá chung về tình hình biến động đất đai
Quá trình biến động đất đai đã thể hiện được nội dung công tác quản lý phân bổ sử dụng đất đai của địa phương thiết thực, hợp lý tiết kiệm và hiệu quả. Nhìn chung việc sử dụng đất trong giai đoạn 2019 - 2020 trên địa bàn huyện Trà Bồng đã đạt được những thành quả nhất định.
Đất phi nông nghiệp tăng trong năm qua đã đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, các công trình dân sinh. Cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của huyện đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư. Biến động quỹ đất đai các loại đất phát triển hạ tầng, đất ở đều có xu hướng tăng, tuy nhiên tổng diện tích đất dành cho các mục đích này hiện vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Đây là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn trong những năm tới.
 
 
PHẦN II
KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM TRƯỚC
Cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện là hiện trạng sử dụng đất đầu năm 2020 và chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất của huyện Trà Bồng được phê duyệt tại Quyết định số 199/QĐ-UBND ngày 31/03/2020 của UBND tỉnh Quảng Ngãi; Các quyết định phê duyệt bổ sung danh mục công trình, dự án vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 cấp huyện; Các công trình, dự án chuyển tiếp. Việc đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện là nền tảng quan trọng cho việc lập kế hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Trà Bồng. 
Trong tổng số 91 công trình, dự án với diện tích 361,94 ha ở kế hoạch sử dụng đất kỳ trước, gồm: 65 công trình, dự án/167,19 ha ở KHSDĐ 2020 (được UBND tỉnh Phê duyệt tại Quyết định số 199/Đ-UBND ngày 31/3/2020 và bổ sung tại Quyết định số 346/QĐ-UBND ngày 27/5/2020); 16 công trình, dự án/185,63 ha ở KHSDĐ 2019 (được UBND tỉnh Phê duyệt tại Quyết định số 66/Đ-UBND ngày 14/1/2019; Quyết định số 359 ngày 31/3/2020; Quyết định 610 ngày 08/8/2019); 10 công trình, dự án/9,12 ha ở KHSDĐ 2018 (được UBND tỉnh Phê duyệt tại Quyết định số 719/Đ-UBND ngày 22/8/2018). Cụ thể:
- Ước thực hiện đến 31/12/2020 hoàn thành 41 công trình, dự án với diện tích 19,89 ha, chiếm 47,20% kế hoạch (25 công trình, dự án/14,31 ha ở KHSDĐ 2020; 12 công trình, dự án/1,52 ha ở KHSDĐ 2019, 05 công trình, dự án/4,06 ha ở KHSDĐ 2018)
- Chuyển tiếp sang năm 2021 là 50 công trình, dự án với diện tích 342,05 ha, chiếm 52,80% kế hoạch (40 công trình, dự án/152,88 ha ở KHSDĐ 2020, 05 công trình, dự án/184,11 ha ở KHSDĐ 2019, 05 công trình, dự án/5,06 ha ở KHSDĐ 2018).
Tiến độ thực hiện của các công trình, dự án cụ thể:
1. Công trình, dự án đã có quyết định giao đất
Tổng số công trình đã có quyết định giao đất là 03 công trình, dự án/0,59 ha 
Bảng 2: Các công trình, dự án đã có quyết định giao đất
STT Tên công trình, dự án Diện tích
QH (ha) Địa điểm
 (đến cấp xã) Ghi chú
 
 
1 Nút Ti Gôn đường nội vùng phía Nam 0,20 TT. Trà Xuân QĐ số 206
ngày 31/3/2020 
2 Đường dây 500Kv Dốc Sỏi - Pleiku 2, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi 0,05 Trà Bình QĐ số 487
ngày 14/8/2020 
3 Cầu qua suối Đập Quang 0,341 Trà Phú QĐ số 165
ngày 19/3/2020
2. Công trình đã có quyết định thu hồi đất
Tổng số công trình đã có thông báo thu hồi đất là 02 công trình, dự án/56,79 ha
Bảng 3: Các công trình, dự án đã có quyết định thu hồi đất
STT Tên công trình, dự án Diện tích
QH (ha) Địa điểm
 (đến cấp xã) Ghi chú
 
 
A. Công trình, dự án năm 2019
1 Thủy điện Kà Tinh 55,79 Trà Thủy, Trà Lâm, Trà Sơn Đã có quyết định thu hồi 5,64 ha
Chuyển tiếp
B. Công trình, dự án năm 2020
1 Đường UBND xã Trà Giang đi nóc Ông Bình, thôn 2 (hạng mục cầu treo) 1,00 Trà Giang Dự kiến hoàn thành
3.  Công trình đã có thông báo thu hồi đất
Tổng số công trình đã có thông báo thu hồi đất là 52 công trình, dự án/154,66 ha
Bảng 4: Công trình, dự án đã có thông báo thu hồi đất
STT Tên công trình, dự án Diện tích
QH (ha) Địa điểm
 (đến cấp xã) Ghi chú
 
 
A. Công trình, dự án năm 2020
1 Xây dựng khu trung tâm lưu trữ huyện Trà Bồng 0,11 TT. Trà Xuân Chuyển tiếp
2
Xây dựng trụ sở Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trà Bồng 0,26 TT. Trà Xuân Dự kiến hoàn thành
3 Xây dựng nhà văn hóa thôn 1 0,05 Trà Thủy Dự kiến hoàn thành
4 Đường BTXM tuyến QL24C đi đến đội 1, thôn Bình Thanh 1,00 Trà Bình Chuyển tiếp
5 Xây dựng khu thể thao xã Trà Phú 0,60 Trà Phú Dự kiến hoàn thành
6 Nghĩa trang nhân dân tập trung huyện Trà Bồng (nghĩa trang nhân dân Phú Xuân) 4,00 Trà Phú Dự kiến hoàn thành
7 Nhà văn hóa thôn Tây 0,05 Trà Bùi Dự kiến hoàn thành
8 Cầu qua sông Trà Bồng, tuyến Trà Xuân đi Trà Thủy 1,00 TT. Trà Xuân và Trà Thủy Dự kiến hoàn thành
9 Nâng cấp mở rộng tuyến đường từ UBND xã đi tổ 10, thôn Trà Ong, xã Trà Quân 0,63 Xã Trà Quân Chuyển tiếp
10 Nâng cấp mở rộng tuyến đường từ tổ 4 đi tổ 5, thôn Trà Xuông, xã Trà Quân 0,70 Xã Trà Quân Dự kiến hoàn thành
11 Khắc phục sạt lỡ Trường trung học cơ sở Trà Phong 0,18 Xã Trà Phong Dự kiến hoàn thành
12 Đường Trà Na - Trà Reo - Trà Bung 0,27 Xã Trà Phong Chuyển tiếp
13 Hệ thống nước sinh hoạt thôn Trà Reo 0,02 Xã Trà Phong Dự kiến hoàn thành
14 Đường BTXM từ nhà bà Lý đến xóm Ka tét, thôn Trà Niu, xã Trà Phong 1,30 Xã Trà Phong Dự kiến hoàn thành
15 Đường BTXM tuyến đường từ nhà ông Thí - nhà ông Vũ, Trường mẫu giáo thôn Tây đến nhà ông Hồng, ông Thanh, ông Tàu 0,10 Xã Trà Thọ Dự kiến hoàn thành
16 Nâng cấp, tuyến đường từ nhà ông Lý Thanh Tùng đến nhà ông Hồ Văn Biên đến nhà ông Hồ Văn Dớt 0,75 Xã Trà Nham Dự kiến hoàn thành
17 BTXM Tuyến đường từ Ngã 3 - Tổ 3 thôn Trà Lương, xã Trà Lãnh 0,18 Xã Trà Lãnh Dự kiến hoàn thành
18 BTXM tuyến đường từ ngã 3 đi tổ 1 thôn Cát (Đoạn cuối) 1,00 Xã Trà Thanh Dự kiến hoàn thành
19 Nước sinh hoạt tổ 2, tổ 5 thôn Vuông (52 hộ) 1,50 Xã Trà Thanh Dự kiến hoàn thành
20 Trường TH và THCS Trà Lâm (Trường PTDTBT TH và THCS Trà Lâm) 0,31 Xã Trà Lâm Chuyển tiếp
21 Nâng cấp mở rộng tuyến đường từ UBND xã đi tổ 10 thôn Trà Quân (nối tiếp) 1,20 Sơn Trà Chuyển tiếp
22 Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ ngã 3 Thành Sương đi thôn Trà Huynh, xã Trà Nham 0,90 Hương Trà Chuyển tiếp
23 Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ UBND xã đi Đội 3, thôn Trà Veo (đường nội vùng Hồ Nước Trong) nối tiếp  1,50 Trà Xinh Chuyển tiếp
24 Điện sinh hoạt tổ 3 thôn Tre, Trà Thọ 0,02 Hương Trà Dự kiến hoàn thành
25 Điện sinh hoạt tổ 6 thôn Vuông 0,02 Trà Thanh Dự kiến hoàn thành
26 Điện sinh hoạt tổ 4 thôn Trà Niu 0,02 Trà Phong Dự kiến hoàn thành
27 Trường tiểu học Trà Thọ 0,14 Trà Tây Dự kiến hoàn thành
28 Trường PTBTBT Tiểu học Trà Lãnh 0,07 Hương Trà Dự kiến hoàn thành
29 Tuyến ngã 3 đường huyện đi Suối Dinh 0,10 Trà Tây Dự kiến hoàn thành
30 Điện sinh hoạt tổ 4 thôn Bắc Dương 0,01 Trà Tây Chuyển tiếp
31 Trạm y tế xã Trà Sơn 0,20 Trà Sơn Chuyển tiếp
32 BTXM nối tiếp tuyến đường từ Hồ Văn Xanh đi tổ 3 thôn Xanh 0,10 Trà Tây Chuyển tiếp
B. Công trình, dự án năm 2019
1 Nhà văn hóa thôn 3 0,05 Trà Thủy Dự kiến hoàn thành
2 Nhà văn hóa thôn 6 0,05 Trà Thủy Dự kiến hoàn thành
3 Xây mới nhà văn hóa thôn Phú Tài 0,10 Trà Phú Dự kiến hoàn thành
4 Nhà văn hóa thôn Trà Hoa 0,05 Trà Lâm Dự kiến hoàn thành
5 Đường BT Nhà ông Nghệ đi Trạm Y tế 0,30 Trà Bùi Dự kiến hoàn thành
6 Nhà văn hóa thôn Sơn Bàn 0,05 Trà Sơn Dự kiến hoàn thành
7 Đường BTXM từ nhà ông Tuấn đến nhà ông Trường thôn Trung 2 0,10 Trà Sơn Dự kiến hoàn thành
8 Tuyến đường tổ 10 đi Ruộng Liên 0,25 Trà Tân Dự kiến hoàn thành
9 Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ xã Trà Hiệp 0,10 Trà Hiệp Dự kiến hoàn thành
10 Thủy điện Trà Phong 125,92 Trà Phong, Trà Xinh, Sơn Trà Chuyển tiếp
11 Nâng cấp, mở rộng cầu suối Đá 0,13 TT. Trà Xuân Dự kiến hoàn thành
C. Công trình, dự án năm 2018
1 Đường TL 622 đi Thạch Bích 1,20 Trà Bình Dự kiến hoàn thành
2 Trường TH và THCS Trà Hiệp (Xây dựng 02 phòng học điểm trường thôn Cả) 0,05 Trà Hiệp Chuyển tiếp
3 Nhà văn hóa xã Trà Hiệp 0,10 Trà Hiệp Dự kiến hoàn thành
4 Đường QL 24C đi thôn 1, xã Trà Thủy 3,32 Trà Thủy Chuyển tiếp
5 Xây dựng chi cục thuế huyện Trà Bồng 0,30 TT Trà Xuân Chuyển tiếp
6 Nối tiếp đường BTXM Trà Ngon-Trà Tân 0,22 Trà Tân Dự kiến hoàn thành
7 Nâng cấp mở rộng đường Thôn Niên - Trường Biện 0,50 Trà Bùi, Trà Tân Dự kiến hoàn thành
8 Đường giao thông nông thôn đi Bình Đông-Bình Tân 3,04 Trà Bình Dự kiến hoàn thành
9 Cầu Suối Nang 3 0,19 TT. Trà Xuân Chuyển tiếp
4.  Công trình đang triển khai thực hiện
Tổng số công trình đang triển khai thực hiện là 21 công trình, dự án/144,13 ha
Bảng 5: Công trình, dự án đang triển khai thực hiện
STT Tên công trình, dự án Diện tích
QH (ha) Địa điểm
 (đến cấp xã) Ghi chú
 
 
A. Công trình, dự án năm 2020
1 Tuyến đường TL622 đi ruộng Dỡ 0,45 TT. Trà Xuân Chuyển tiếp
2 Trường mầm non xã Trà Giang 0,06 Trà Giang Chuyển tiếp
3 Đường BTXM tổ 3 thôn 1 0,50 Trà Thủy Chuyển tiếp
4 Đường từ Quốc lộ 24C đến thôn 4, xã Trà Thủy 2,00 Trà Thủy Chuyển tiếp
5 Đường BTXM từ nhà Hường Lựu - Nhà ông Hoàng 0,40 Trà Hiệp Chuyển tiếp
6 Mở rộng đường dân sinh Tổ 2 - Tổ 4 thôn Cưa 0,70 Trà Hiệp Chuyển tiếp
7 Đường BTXM từ QL24C đến nóc ông Tơ 0,10 Trà Hiệp Chuyển tiếp
8 Đường BTXM từ QL24C đến nóc ông Hồng 0,10 Trà Hiệp Chuyển tiếp
9 Đường BTXM tuyến nhà ông Cuộc đến nhà ông Chi 0,20 Trà Phú Dự kiến hoàn thành
10 Xây mới trường mầm mon xã 0,40 Trà Phú Chuyển tiếp
11 Xây mới nhà văn hóa thôn Phú An 0,05 Trà Phú Chuyển tiếp
12 Đường Trà Hoa, xã Trà Lâm 9,00 Trà Lâm Chuyển tiếp
13 Nhà văn hóa thôn Đông 0,04 Trà Sơn Chuyển tiếp
14 Nối tiếp đường BTXM từ TL 622b tổ 1 Sơn Bàn đi tổ 2 Sơn Bàn 0,50 Trà Sơn Chuyển tiếp
15 Điện sinh hoạt tổ 4- 7 thôn Sơn 0,03 Trà Khê Chuyển tiếp
16 Trường Tiểu học Trà Khê 0,30 Trà Khê Chuyển tiếp
17 Nâng cấp mở rộng tuyến đường BTXM Eo Xà lan đi thôn Sơn (nối tiếp) 0,60 Trà Khê Chuyển tiếp
18 Trường Mẫu giáo Trà Lãnh 0,27 Trà Lãnh Chuyển tiếp
19 Dự án Cụm công trình Thủy điện Tây Trà  126,39 Trà Khê, Trà Quân, Trà Phong, Trà Lãnh Chuyển tiếp
B. Công trình, dự án năm 2019
1 Nâng cấp mở rộng chợ Trà Bình 0,05 Trà Bình Chuyển tiếp
2 Nghĩa trang nhân dân xã 2,00 Trà Phú Chuyển tiếp
5.  Công trình chưa triển khai thực hiện
Tổng số công trình chưa thực hiện là 12 công trình, dự án/5,77 ha
Bảng 6: Công trình, dự án chưa triển khai thực hiện
STT Tên công trình, dự án Diện tích
QH (ha) Địa điểm
 (đến cấp xã) Ghi chú
 
 
A. Công trình, dự án năm 2020
1 Đường giao thông nội đồng Rộc Sâu - đập bà Nữ 0,30 TT. Trà Xuân Chuyển tiếp
2 Cống thoát nước qua BCH Quân sự huyện Trà Bồng 0,03 TT. Trà Xuân Chuyển tiếp
3 Đầu tư xây dựng khu dân cư Đồi Sim, thị trấn Trà Xuân 1,51 TT. Trà Xuân Chuyển tiếp
4 Đầu tư xây dựng KDC Ngõ Đồn thị trấn Trà Xuân 1,10 TT. Trà Xuân Chuyển tiếp
5 Khu xử lí rác thải 1,30 Trà Bình Chuyển tiếp
6 Xây dựng Khu dân cư Trà Phú, thôn Phú Tài, xã Trà Phú (từ nhà ông Bình đến nhà ông Vinh thuộc xứ đồng Đá Bàn) 0,84 Trà Phú Chuyển tiếp
7 Trùng tu di tích Cuộc khởi Trà Bồng và Miền tây Quảng Ngãi (di tích Gò Rô) 0,43 Trà Phong Chuyển tiếp
8 Di dời, xây dựng di tích lịch sử Đồn Làng Ngãi 0,02 Trà Xinh Chuyển tiếp
9 Di dời , xây dựng di tích lịch sử Nước Xoay 0,02 Trà Thọ Chuyển tiếp
10 Di dời , xây dựng di tích lịch sử Đồn Eo Reo 0,01 Trà Nham Chuyển tiếp
11 Tôn tạo, sửa chữa di tích lịch sử Đồn Eo Chim 0,01 Trà Lãnh Chuyển tiếp
12 Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Bình Phương 0,20 Trà Bình Chuyển tiếp
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU
Diện tích tự nhiên của đầu năm 2019 là 76.035,01 ha, diện tích tự nhiên của cuối năm 2019 là 76.040,69 ha, tăng 5,68 ha;  diện tích tăng là do cập nhật số liệu theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 (đến 31/12/2019) trên địa bàn huyện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019. 
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất năm 2020 trên địa bàn huyện đạt kết quả tương đối cao so với kế hoạch được duyệt. Cụ thể: Đất nông nghiệp theo kế hoạch được duyệt là 69.831,94 ha, kết quả thực hiện đến 31/12/2020 là 71.650,63 ha, tăng 1.818,69 ha; Đất phi nông nghiệp theo kế hoạch được duyệt 4.060,14 ha, kết quả thực hiện đến 31/12/2020 là 4.192,67 ha, tăng 132,53 ha.
Bảng 7: Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất năm 2020
TT Chỉ tiêu sử dụng đất Kế hoạch được duyệt (ha) Kết quả thực hiện
Diện tích (ha) Tỷ lệ (%)
(1) (2) (3) (4) (5) (6)=(5)/(4)*100
1 Đất nông nghiệp NNP 69.831,94 71.655,19 102,60
2 Đất phi nông nghiệp PNN 4.060,14 4.188,11 103,15
3 Đất chưa sử dụng CSD 2.142,93 197,39 9,21
1. Đất nông nghiệp
UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 69.831,94 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 71.655,19 ha. Trong đó:
- Đất trồng lúa: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 1.435,35 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 1.357,44 ha, đạt 94,57% so với kế hoạch. Trong đó:
+ Đất chuyên trồng lúa nước: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 1.112,51 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 1.096,42 ha, đạt 98,55% so với kế hoạch.
- Đất trồng cây hàng năm khác: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 1.928,28 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 1.671,16 ha, đạt tỷ lệ 86,67% so với kế hoạch.
- Đất trồng cây lâu năm: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 12.996,83 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 16.981,17 ha. Diện tích tăng là do cập nhật theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2019.
- Đất rừng phòng hộ: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 23.482,06 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 22.664,50 ha, đạt 96,52% so với kế hoạch.
- Đất rừng sản xuất: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 29.973,86 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 28.962,41 ha, đạt tỷ lệ 96,63% so với kế hoạch. 
- Đất nuôi trồng thủy sản: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 9,11 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 9,10 ha.
- Đất nông nghiệp khác: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 6,45 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 9,42 ha, đạt 145,98% so với kế hoạch.
2. Đất phi nông nghiệp
UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 4.060,14 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 4.188,11 ha, đạt tỷ lệ 103,15% so với kế hoạch. Trong đó:
- Đất quốc phòng: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 40,48 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 36,43 ha, đạt 89,99% so với kế hoạch.
- Đất an ninh: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 1,48 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 1,50 ha. Diện tích tăng do cập nhật theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2019.
- Đất cụm công nghiệp: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 3,58 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 2,12 ha, đạt 59,22% so với kế hoạch.
- Đất thương mại, dịch vụ: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 1,58 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 1,68 ha, đạt 106,33% so với kế hoạch. 
- Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 6,68 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 9,61 ha, đạt 143,86% so với kế hoạch 
- Đất phát triển hạ tầng: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 2.278,23 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 2.131,69 ha, đạt 93,57% so với kế hoạch.
- Đất có di tích lịch sử - văn hóa: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 1,21 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 0,72 ha, đạt 59,41% so với kế hoạch 
- Đất bãi thải, xử lý chất thải: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 4,10 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 2,80 ha, đạt 68,29% so với kế hoạch.
- Đất ở nông thôn: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 352,26 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 350,60 ha, đạt tỷ lệ 99,53% so với kế hoạch.
- Đất ở đô thị: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 47,16 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 45,81 ha, đạt tỷ lệ 97,14% so với kế hoạch. 
- Đất xây dựng trụ sở cơ quan: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 12,92 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 14,53 ha, đạt 112,49% so với kế hoạch.
- Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 2,31 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 2,28 ha, đạt 98,70% so với kế hoạch.
- Đất cơ sở tôn giáo: không có sự biến động về diện tích so với năm 2019.
- Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 154,57 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 202,23 ha, đạt 130,84% so với kế hoạch.
- Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 15,00 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 3,69 ha, đạt 24,60% so với kế hoạch.
- Đất sinh hoạt cộng đồng: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 7,03 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 7,81 ha, đạt tỷ lệ 111,10% so với kế hoạch.
- Đất khu vui chơi giải trí công cộng: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 0,38 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 0,32 ha, đạt tỷ lệ 84,21% so với kế hoạch
- Đất sông ngòi, kênh, rạch, suối: theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 1.127,84 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 1.358,52 ha, đạt 120,45% so với kế hoạch.
- Đất có mặt nước chuyên dùng:theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 0,34 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 12,77 ha. Tăng do cập nhật theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2019.
3. Đất chưa sử dụng
UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là 2.142,93 ha, ước thực hiện đến 31/12/2020 là 197,39 ha. Diện tích chênh lệch do cập nhật theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2019.
III. ĐÁNH GIÁ NHỮNG TỒN TẠI TRONG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM TRƯỚC
1. Đánh giá tồn tại
- Việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2020 trên địa bàn huyện nhìn chung có nhiều chỉ tiêu không thực hiện được, không đạt yêu cầu so với kế hoạch;
- Tiến độ thực hiện các công trình, dự án còn chậm, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai;
- Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, gây chậm tiến độ thực hiện các công trình, dự án;
- Công tác thu hồi đất vẫn chưa thực sự được chú trọng khi triển khai thực hiện các công trình, dự án; nhiều công trình, dự án đã thực hiện và đưa vào sử dụng nhưng chưa hoàn thành thủ tục thu hồi đất, gây khó khăn cho công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn huyện;
- Việc đăng ký nhu cầu sử dụng đất của các cơ quan, tổ chức còn chủ quan, chưa phù hợp với tình hình thực tế cũng như nhu cầu của các cơ quan, tổ chức, việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2020 đạt kết quả không cao.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến cho các nhà đầu tư và nhân dân về chính sách pháp luật đất đai như trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất còn nhiều hạn chế, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất chưa được chú trọng.
2. Nguyên nhân
- Nhiều dự án dự định triển khai (nhất là các dự án hạ tầng), nhưng do ngân sách không bảo đảm hoặc do chủ đầu tư thiếu vốn, không có năng lực thực hiện dự án nên sau khi công bố triển khai đã phải dừng lại;
- Nhiều công trình dự án đã xây dựng, đưa vào sử dụng từ rất lâu nhưng chưa thực hiện các thủ tục về đất, đặc biệt là công tác thu hồi đất, chuyển mục đích và giao đất nên dẫn đến nhiều khó khăn vướng mắc khi thực hiện lại các thủ tục về đất;
- Một số địa phương chưa thực sự coi trọng công tác kế hoạch sử dụng đất hàng năm nên tập trung chỉ đạo cho công tác này còn hạn chế, nhất là UBND các xã;
- Tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn phức tạp nên làm ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, các nguồn thu từ đất và đấu giá sụt giảm, không đạt chỉ tiêu nguồn thu đầu vào.
- Hệ số giá đất trong năm 2020 ban hành chưa kịp thời, dẫn đến công tác thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường chậm.
Từ những đánh giá trên, để công tác quản lý đất đai phát huy được hiệu quả quản lý sử dụng đất thì công tác quản lý đất đai nói chung, quy hoạch, kế hoạch nói riêng phải hoàn chỉnh về lực lượng cũng như cơ chế, chính sách mới để phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay.
IV. CÔNG TRÌNH  KHÔNG THỰC HIỆN ĐỀ NGHỊ LOẠI BỎ
- Tổng số công trình, dự án phải thu hồi đất năm 2017 không thực hiện đề nghị loại bỏ là 02 công trình, dự án với diện tích 137,490 ha.
- Tổng số công trình, dự án phải thu hồi đất năm 2018 đề nghị loại bỏ là 05 công trình, dự án với diện tích 74,319 ha.
(Chi tiết tại phụ biểu 07 kèm theo)
PHẦN III
LẬP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT 2021
I. NHU CẦU SỬ DỤNG ĐẤT CHO CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC 
1. Chỉ tiêu sử dụng đất
a. Đất nông nghiệp
Theo chỉ tiêu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 được duyệt tại nghị quyết 08/2020/NQ-HĐND  là 70.106,08 ha. Kết quả thực hiện ước tính đến ngày 31/12/2020 là 71.655,19 ha, còn chỉ tiêu 1.549,11 ha.
b. Đất phi nông nghiệp
Theo chỉ tiêu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 được duyệt tại nghị quyết 08/2020/NQ-HĐND  là 4.541,32 ha. Kết quả thực hiện ước tính đến ngày 31/12/2020 là 4.188,11 ha, còn chỉ tiêu 353,21 ha. Trong đó:
- Đất cụm công nghiệp: theo quy hoạch được duyệt là 15,00 ha, kết quả thực hiện ước tính đến 31/12/2020 là 2,12 ha, còn chỉ tiêu 12,88 ha.
- Đất thương mại dịch vụ: theo quy hoạch được duyệt là 188,86 ha, kết quả thực hiện ước tính đến 31/12/2020 là 1,68 ha, còn chỉ tiêu 187,18 ha.
- Đất phát triển hạ tầng: theo quy hoạch được duyệt là 2.471,41 ha, kết quả thực hiện ước tính đến 31/12/2020 là 2.131,69 ha, còn chỉ tiêu 339,72 ha.
- Đất di tích lịch sử - văn hóa: theo quy hoạch được duyệt là 76,60 ha, kết quả thực hiện ước tính đến 31/12/2020 là 0,72 ha, còn chỉ tiêu 75,88 ha.
- Đất bãi thải, xử lý chất thải: theo quy hoạch được duyệt là 7,16 ha, kết quả thực hiện ước tính đến 31/12/2020 là 2,80 ha, còn chỉ tiêu 4,36 ha.
- Đất ở tại nông thôn: theo quy hoạch được duyệt là 371,38 ha, kết quả thực hiện ước tính đến 31/12/2020 là 350,60 ha, còn chỉ tiêu 20,78 ha.
- Đất ở tại đô thị: theo quy hoạch được duyệt là 54,98 ha, kết quả thực hiện ước tính đến 31/12/2020 là 45,81 ha, còn chỉ tiêu 9,17 ha.
- Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa: theo quy hoạch được duyệt là 152,59 ha, kết quả thực hiện ước tính đến 31/12/2020 là 202,23 ha, vượt chỉ tiêu 49,64 ha, do cập nhật số liệu theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 (đến 31/12/2019) trên địa bàn huyện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019.
- Đất sinh hoạt cộng đồng theo quy hoạch được duyệt là 7,28 ha, kết quả thực hiện ước tính đến 31/12/2020 là 7,81 ha, vượt chỉ tiêu 0,53 ha, do cập nhật số liệu theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 (đến 31/12/2019) trên địa bàn huyện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019.
c. Đất chưa sử dụng
Theo chỉ tiêu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 được duyệt tại nghị quyết 08/2020/NQ-HĐND là 1.387,61 ha. Kết quả thực hiện ước tính đến ngày 31/12/2020 là 197,39 ha, vượt chỉ tiêu 1.190,22 ha, do cập nhật số liệu theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 (đến 31/12/2019) trên địa bàn huyện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019.
2. Nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực
2.1. Chỉ tiêu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất
a. Công trình, dự án chuyển tiếp:
Trong kế hoạch sử dụng đất năm trước có 50 công trình/342,05 ha chưa thực hiện xong nhưng vẫn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện được chuyển sang kế hoạch năm 2021 để tiếp tục thực hiện, cụ thể:
* Đất sinh hoạt cộng đồng: 02 công trình, dựa án/0,09 ha
- Xây mới nhà văn hóa thôn Phú An tại xã Trà Phú là 0,05 ha; 
- Nhà văn hóa thôn Đông tại xã Trà Sơn là 0,04 ha;
* Đất phát triển hạ tầng : 35 công trình, dựa án/334,11 ha
- Tuyến đường TL622 đi ruộng Dỡ tại thị trấn Trà Xuân 0,45 ha
- Đường giao thông nội đồng Rộc Sâu - đập bà Nữ tại thị trấn Trà Xuân 0,30 ha
- Cống thoát nước qua BCH Quân sự huyện Trà Bồng tại thị trấn Trà Xuân 0,03 ha
- Trường mầm non xã Trà Giang tại xã Trà Giang 0,06 ha
- Đường BTXM tổ 3 thôn 1 tại xã Trà Thủy 0,50 ha
- Đường từ Quốc lộ 24C đến thôn 4, xã Trà Thủy 2,00 ha
- Đường BTXM từ nhà Hường Lựu - Nhà ông Hoàng tại xã Trà Hiệp 0,40 ha
- Mở rộng đường dân sinh Tổ 2 - Tổ 4 thôn Cưa tại xã Trà Hiệp 0,70 ha
- Đường BTXM từ QL24C đến nóc ông Tơ tại xã Trà Hiệp 0,10 ha
- Đường BTXM từ QL24C đến nóc ông Hồng tại xã Trà Hiệp 0,10 ha
- Xây mới trường mầm mon xã tại xã Trà Phú 0,40 ha
- Đường Trà Hoa, xã Trà Lâm 9,00 ha
- Nối tiếp đường BTXM từ TL 622b tổ 1 Sơn Bàn đi tổ 2 Sơn Bàn  tại xã Trà Sơn 0,50 ha
- Điện sinh hoạt tổ 4 - 7 thôn Sơn tại xã Sơn Trà 0,03 ha
- Trường Tiểu học Trà Khê tại xã Sơn Trà 0,30 ha
- Nâng cấp mở rộng tuyến đường BTXM Eo Xà lan đi thôn Sơn (nối tiếp) tại xã Sơn Trà 0,60 ha
- Nâng cấp mở rộng tuyến đường từ UBND xã đi tổ 10, thôn Trà Ong tại xã Sơn Trà 0,63 ha
- Đường Trà Na - Trà Reo - Trà Bung, xã Trà Phong 0,27 ha
- Trường Mẫu giáo Trà Lãnh tại xã Hương Trà 0,27 ha
- BTXM nối tiếp tuyến đường từ Hồ Văn Xanh đi tổ 3 thôn Xanh tại xã Trà Tây 0,10 ha
- Dự án Cụm công trình Thủy điện Tây Trà 126,39 ha
- Trường TH và THCS Trà Lâm (Trường PTDTBT TH và THCS Trà Lâm) tại xã Trà Lâm 0,31 ha
- Trạm y tế xã Trà Sơn 0,20 ha
- Nâng cấp mở rộng tuyến đường từ UBND xã đi tổ 10 thôn Trà Quân (nối tiếp) tại xã Sơn Trà 1,20 ha
- Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ ngã 3 Thành Sương đi thôn Trà Huynh, tại xã Hương Trà 0,90 ha
- Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ UBND xã đi Đội 3, thôn Trà Veo (đường nội vùng Hồ Nước Trong) nối tiếp tại xã Trà Xinh 1,50 ha
- Điện sinh hoạt tổ 4 thôn Bắc Dương tại xã Trà Tây 0,01 ha
- Nâng cấp mở rộng chợ Trà Bình tại xã Trà Bình 0,05 ha
- Thủy điện Kà Tinh tại xã Trà Lâm, Trà Sơn, Trà Thủy 55,79 ha
- Thủy điện Trà Phong tại xã Trà Phong, Trà Xinh, Sơn Trà 125,92 ha
- Nâng cấp mở rộng tuyến đường Trà Na - Trà Reo - Trà Bung, xã Trà Phong (giai đoạn 2) tại xã Trà Phong 0,35 ha
- Trường TH và THCS Trà Hiệp (Xây dựng 02 phòng học điểm trường thôn Cả) tại xã Trà Hiệp 0,05 ha
- Đường TL622 đi Thạch Bích tại xã Trà Bình 1,20 ha
- Đường QL24C đi thôn 1 tại xã Trà Thủy 3,32 ha
- Cầu suối Nang 3 tại thị trấn Trà Xuân 0,19 ha
* Đất có di tích lịch sử - văn hóa : 05 công trình, dự án/ 0,49 ha
- Trùng tu di tích Cuộc khởi Trà Bồng và Miền tây Quảng Ngãi (di tích Gò Rô) tại xã Trà Phong 0,43 ha
- Di dời, xây dựng di tích lịch sử Đồn Làng Ngãi tại xã Trà Xinh 0,02 ha
- Di dời, xây dựng di tích lịch sử Nước Xoay tại xã Trà Tây 0,02 ha
- Di dời, xây dựng di tích lịch sử Đồn Eo Reo tại xã Hương Trà 0,01 ha
- Tôn tạo, sửa chữa di tích lịch sử Đồn Eo Chim tại xã Hương Trà 0,01 ha
* Đất bãi thải, xử lý chất thải : 01 công trình, dự án/1,30 ha
- Khu xử lí rác thải tại xã Trà Bình 1,30 ha
* Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp: 01 công trình, dự án/0,11 ha
- Xây dựng khu trung tâm lưu trữ huyện Trà Bồng tại thị trấn Trà Xuân 0,11 ha
* Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng: 01 công trình, dự án/2,00 ha
- Nghĩa trang nhân dân xã tại Trà Phú với diện tích 2,00 ha.
* Đất ở đô thị: 02 công trình, dự án/2,61 ha
- Đầu tư xây dựng khu dân cư Đồi Sim, thị trấn Trà Xuân 1,51 ha
- Đầu tư xây dựng KDC Ngõ Đồn thị trấn Trà Xuân 1,10 ha
* Đất ở tại nông thôn: 01 công trình, dự án/0,84 ha
- Xây dựng Khu dân cư Trà Phú, thôn Phú Tài, xã Trà Phú (từ nhà ông Bình đến nhà ông Vinh thuộc xứ đồng Đá Bàn) 0,84 ha
* Đất thương mại dịch vụ: 01 công trình, dự án/0,20 ha
- Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Bình Phương tại xã Trà Bình 0,20 ha
b. Công trình, dự án thu hồi đất từ năm 2017 - 2020 đăng ký bổ sung diện tích
Vì quy mô công trình, dự án thay đổi nên 13 công trình, dự án với diện tích 12,83 ha xin đăng ký bổ sung thêm diện tích để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo trong năm kế hoạch sử dụng đất 2021, cụ thể: 
- Cầu Suối Nang 3 tại thị trấn Trà Xuân bổ sung: 1,41 ha
- Trường TH và THCS Trà Lâm (Trường PTDTBT TH và THCS Trà Lâm) bổ sung: 0,04 ha
- Đường Eo Chim - Trà Nham - dốc Bình Minh tại xã Hương Trà bổ sung: 4,60 ha
- Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ ngã 3 Thành Sương đi thôn Trà Huynh tại xã Hương Trà bổ sung: 0,02 ha
- Nâng cấp mở rộng tuyến đường Trà Na - Trà Reo - Trà Bung, xã Trà Phong (giai đoạn 2) bổ sung: 1,32 ha 
- Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ UBND xã đi tổ 10, thôn Trà Ong tại xã Sơn Trà bổ sung: 0,90 ha
- Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ UBND xã đi Đội 3, thôn Trà Veo (đường nội vùng Hồ Nước Trong) nối tiếp tại xã Trà Xinh bổ sung: 0,41 ha
- Điện sinh hoạt tổ 4 thôn Bắc Dương tại xã Trà Tây bổ sung: 0,01 ha
- BTXM tuyến đường từ Hồ Văn Xanh đi tổ 3 thôn Xanh (nối tiếp) tại xã Trà Tây bổ sung: 1,20 ha
- Thủy điện Trà Phong bổ sung: 1,72 ha
- Đường Trà Na - Trà Reo - Trà Bung, xã Trà Phong bổ sung: 1,13 ha
- Xây dựng khu trung tâm lưu trữ huyện Trà Bồng bổ sung: 0,02 ha
(Chi tiết tại phụ biểu 09 kèm theo)
c. Danh mục công trình, dự án (quá 03 năm) xin tiếp tục thực hiện trong năm 2021
Vì vướng thủ tục hiến đất, hồ sơ thu hồi đất, điều chỉnh bổ sung hạng mục công trình, dự án (quá 03 năm) nên 09 công trình, dự án với diện tích 29,36 ha đăng ký xin tiếp tục thực hiện trong năm kế hoạch 2021, cụ thể:
- Xây dựng nhà văn hóa thôn Bình Đông tại xã Trà Bình 0,20 ha
- Xây dựng nhà văn hóa thôn Bình Thanh tại xã Trà Bình 0,20 ha
- Xây dựng trung tâm văn hóa thể thao xã Trà Bình 0,16 ha
- Đường nhà ông Thông đi Sình Nứa tại xã Tà Giang 0,76 ha
- Xây dựng nhà bia tưởng niệm xã Trà Giang 0,20 ha
- Đường Trà Bùi - Núi Cà Đam, huyện Trà Bồng 14,36 ha
- Nghĩa địa nhân dân xã Trà Bình 1,00 ha
- Tuyến đường số 2 trung tâm huyện lỵ Tây Trà tại xã Trà Phong 0,92 ha
- Đường Eo Chim - Trà Nham - dốc Bình Minh  tại xã Hương Trà 5,25 ha
(Chi tiết tại phụ biểu 03 kèm theo)
2.2. Nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình cá nhân
a. Nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức
Nhu cầu sử dụng đất đăng ký thực hiện trong năm 2021 như sau:
* Đất phát triển hạ tầng: 06 công trình, dự án/5,71 ha
- Sân thể dục thể thao xã Trà Giang 1,20 ha
- Nhà bia tưởng niệm xã Trà Lâm 0,10 ha
- Nhà bia tưởng niệm xã Trà Thủy 0,10 ha
- Tường rào, cổng ngỏ, sân bê tông Trừờng Mẫu giáo thôn Trà Lương tại xã Hương Trà 0,10 ha
- Sân thể thao xã Trà Phong 1,00 ha
- Thủy điện Kà Tinh (Hạng mục Đấu nối Thủy điện Kà tinh vào lưới điện quốc gia, phần đường dây 35KV đấu nối và mở rộng ngăn lộ 35KV tại trạm trung gian Trà Bồng) 3,21 ha.
* Đất cụm công nghiệp: 01 công trình, dự án/0,41 ha
- Đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp thị trấn Trà Xuân 0,41 ha
* Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp: 01 công trình, dự án/0,30 ha
- Xây dựng chi cục thuế huyện Trà Bồng tại thị trấn Trà Xuân 0,30 ha
b. Nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình cá nhân 
Nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất hộ gia đình cá nhân trên địa bàn huyện là 7,17 ha. Trong đó: đất ở tại đô thị 2,98 ha và đất ở tại nông thôn 4,19 ha.
(Chi tiết tại phụ biểu 10 kèm theo)
2.3. Công trình, vị trí đăng ký tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện
Trong năm 2021, trên địa bàn huyện đăng ký tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 10 vị trí với tổng diện tích 3,266 ha.
(Chi tiết tại phụ biểu 08 kèm theo)
II. TỔNG HỢP VÀ CÂN ĐỐI CÁC CHỈ TIÊU
Nhu cầu sử dụng đất được phân tích dựa trên cơ sở số liệu hiện trạng sử dụng đất năm 2020, các công trình chuyển tiếp từ năm 2018, 2019, 2020 sang thực hiện trong năm 2021 và công trình đăng ký mới trong năm 2021 của huyện Trà Bồng.
1. Đất nông nghiệp: 
Diện tích đất nông nghiệp đầu năm 2021 là 71.655,19 ha, đến cuối năm 2021 là 71.337,55 ha, giảm 317,64 ha. Cụ thể:
* Đất trồng lúa:
Diện tích đất trồng lúa đầu năm 2021 là 1.357,44 ha, đến cuối năm 2021 là 1.342,47 ha, giảm 14,97 ha (Diện tích giảm toàn bộ là đất chuyên trồng lúa nước) do chuyển mục đích sử dụng đất sang đất phát triển hạ tầng 13,33 ha (Tuyến đường TL622 đi ruộng Dỡ, Cống thoát nước qua BCH Quân sự huyện Trà Bồng, Đường Trà Hoa, xã Trà Lâm, Nhà văn hóa thôn Đông, Thủy điện Kà Tinh, Cầu Suối nang 3, Thủy điện Trà Phong, Thủy điện Kà Tinh (Hạng mục Đấu nối Thủy điện Kà tinh vào lưới điện quốc gia, phần đường dây 35KV đấu nối và mở rộng ngăn lộ 35KV tại trạm trung gian Trà Bồng),…) ; đất sinh hoạt cộng đồng 0,04 ha ; đất công trình sự nghiệp 0,41 ha (Xây dựng khu trung tâm lưu trữ huyện Trà Bồng, Xây dựng chi cục thuế huyện Trà Bồng) ; đất ở đô thị 0,65 ha (Đầu tư xây dựng khu dân cư Đồi Sim, thị trấn Trà Xuân, Đầu tư xây dựng KDC Ngõ Đồn thị trấn Trà Xuân) ; đất ở nông thôn 0,54 ha (Xây dựng Khu dân cư Trà Phú, thôn Phú Tài, xã Trà Phú).
Diện tích đất trồng lúa không thay đổi mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 là 1.342,47 ha.
* Đất trồng cây hàng năm khác:
Diện tích đất trồng cây hàng năm khác đầu năm 2021 là 1.671,16 ha, đến  cuối năm 2021 là 1.660,92 ha, giảm 10,24 ha. Diện tích giảm do chuyển sang đất phát triển hạ tầng 6,91 ha (Đầu tư xây dựng KDC Ngõ Đồn thị trấn Trà Xuân, Đường BTXM tổ 3 thôn 1, xã Trà Phú (từ nhà ông Bình đến nhà ông Vinh thuộc xứ đồng Đá Bàn), Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ ngã 3 Thành Sương đi thôn Trà Huynh, xã Trà Nham, Nâng cấp mở rộng chợ Trà Bình, Nhà bia tưởng niệm xã Trà Thủy, Đường Eo Chim - Trà Nham - dốc Bình Minh, ...); đất ở thị 0,13 ha (Đầu tư xây dựng KDC Ngõ Đồn thị trấn Trà Xuân); đất thương mại dịch vụ 0,20 ha (Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Bình Phương) và nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện là 3,00 ha.
Diện tích đất trồng cây hằng năm không thay đổi mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 là 1.660,92 ha.
* Đất trồng cây lâu năm:
Đầu năm 2021 đất trồng cây lâu năm có diện tích 16.981,17 ha, cuối năm 2021 còn 16.834,19 ha, giảm 146,98 ha do chuyển mục đích sử dụng đất sang đất di tích lịch sử - văn hóa 0,48 ha (Trùng tu di tích Cuộc khởi Trà Bồng và Miền tây Quảng Ngãi (di tích Gò Rô); Di dời, xây dựng di tích lịch sử Đồn Làng Ngãi, Di dời , xây dựng di tích lịch sử Nước Xoay,...); đất phát triển hạ tầng 140,59 ha (Đường Trà Hoa, xã Trà Lâm, Thủy điện Trà Phong, Nhà bia tưởng niệm xã Trà Lâm, ...); đất công trình sự nghiệp 0,02 ha (Xây dựng khu trung tâm lưu trữ huyện Trà Bồng); đất làm nghĩa trang, nghĩa địa 0,50 ha (Nghĩa địa nhân dân xã Trà Bình); đất cụm công nghiệp 0,31 ha (Đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp thị trấn Trà Xuân); đất sinh hoạt cộng đồng 0,20 ha (Nhà văn hóa thôn Bình Đông) và nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện là 4,20 ha
Diện tích đất trồng cây lâu năm không thay đổi mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 là 16.834,19 ha.
* Đất rừng phòng hộ:
Đầu năm 2021 đất rừng phòng hộ có diện tích 22.664,50 ha, cuối năm 2021 còn 22.636,07 ha, giảm 28,43 ha do chuyển mục đích sử dụng đất sang đất di tích lịch sự - văn hóa 0,01 ha (Tôn tạo, sửa chữa di tích lịch sử Đồn Eo Chim); đất phát triển hạ tầng 28,42 ha (Dự án Cụm công trình Thủy điện Tây Trà, Thủy điện Trà Phong).
Diện tích đất rừng phòng hộ không thay đổi mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 là 22.636,07 ha.
* Đất rừng sản xuất: 
Đầu năm 2021 đất rừng sản xuất có diện tích 28.962,41 ha, cuối năm 2021 còn 28.845,39 ha, giảm 117,02 ha do chuyển mục đích sử dụng đất sang đất phát triển hạ tầng 113,22 ha (Thủy điện Kà Tinh (Hạng mục Đấu nối Thủy điện Kà tinh vào lưới điện quốc gia, phần đường dây 35KV đấu nối và mở rộng ngăn lộ 35KV tại trạm trung gian Trà Bồng), Đường Trà Bùi - Núi Cà Đam, huyện Trà Bồng, ...); đất bãi thải xử lý chất thải 1,30 ha (Khu xử lí rác thải Trà Bình); đất làm nghĩa trang, nghĩa địa 2,50 ha (Nghĩa trang nhân dân xã Trà Phú, Nghĩa địa nhân dân xã Trà Bình).
Diện tích đất rừng sản xuất trong kế hoạch năm 2021 không thay đổi so với hiện trạng là 28.845,39 ha.
* Đất nuôi trồng thủy sản:
Diện tích đất nuôi trồng thuỷ sản trong kế hoạch năm 2021 không thay đổi so với hiện trạng là 9,10 ha.
* Đất nông nghiệp khác:
Diện tích đất nông nghiệp khác trong kế hoạch năm 2021 không thay đổi so với hiện trạng là 9,42 ha.
2. Đất phi nông nghiệp:
Trong kỳ kế hoạch tiếp tục chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm giải quyết những tồn tại, khó khăn trong thực trạng, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế các ngành trong huyện. 
Diện tích đất phi nông nghiệp đầu năm 2021 là 4.188,11 ha, đến cuối năm 2020 là 4.511,86 ha, tăng 323,75 ha. Cụ thể:
* Đất quốc phòng:
Diện tích đất quốc phòng trong kế hoạch năm 2021 không thay đổi so với hiện trạng là 36,43 ha.
* Đất an ninh:
Diện tích đất an ninh trong kế hoạch năm 2021 không thay đổi so với hiện trạng là 1,50 ha.
* Đất cụm công nghiệp:
Đầu năm 2021 đất cụm công nghiệp 2,12 ha, đến cuối năm 2021 có 2,53 ha, tăng 0,41 ha lấy từ đất trồng cây lâu năm 0,31 ha và đất nghĩa địa 0,10 ha để thực hiện công trình Đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp thị trấn Trà Xuân.
Diện tích đất cụm công nghiệp không thay đổi mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 là 2,12 ha.
* Đất thương mại dịch vụ:
Đầu năm 2021 đất thương mại dịch vụ có 1,68 ha, đến cuối năm 2021 có 1,88 ha, tăng 0,20 lấy từ đất trồng cây hàng năm khác để thực hiện công trình Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Bình Phương.
Diện tích đất thương mại dịch vụ không thay đổi mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 là 1,68 ha.
* Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp:
Đầu năm 2021 đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp có 9,61 ha, đến cuối năm 2021 có 9,36 ha, giảm 0,25 ha chuyển sang đất phát triển hạ tầng để thực hiện công trình Trạm y tế xã Trà Sơn.
Diện tích đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp không thay đổi mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 là 9,36 ha.
* Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã:
Đầu năm 2021 đất phát triển hạ tầng có 2.136,69 ha, đến cuối năm 2021 có 2.489,66 ha, tăng 357,97 ha 
- Thực tăng 358,02 ha lấy từ đất trồng lúa 13,33 ha, rừng phòng hộ 28,42 ha, rừng sản xuất 113,22 ha, đất trồng cây lâu năm 141,27 ha, đất trồng cây hàng năm khác 6,91 ha, đất ở nông thôn 0,11 ha, đất bằng sử dụng 6,11 ha, đất sông ngòi kênh rạch 48,23 ha, đất làm nghĩa trang nghĩa địa 0,17 ha, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp 0,25 ha để thực hiện công trình Thủy điện Trà Phong; Thủy điện Kà Tinh (Hạng mục Đấu nối Thủy điện Kà tinh vào lưới điện quốc gia, phần đường dây 35KV đấu nối và mở rộng ngăn lộ 35KV tại trạm trung gian Trà Bồng); Đường Trà Na - Trà Reo - Trà Bung, xã Trà Phong; Tuyến đường TL622 đi ruộng Dỡ; Đường giao thông nội đồng Rộc Sâu - đập bà Nữ; Cống thoát nước qua BCH Quân sự huyện Trà Bồng; Trường mầm non xã Trà Giang; Đường BTXM tổ 3 thôn 1,Trà Thủy; Đường từ Quốc lộ 24C đến thôn 4, xã Trà Thủy; Đường BTXM từ nhà Hường Lựu - Nhà ông Hoàng, xã Trà Hiệp; Mở rộng đường dân sinh Tổ 2 - Tổ 4 thôn Cưa, xã Trà Hiệp; Đường BTXM từ QL24C đến nóc ông Tơ, xã Trà Hiệp; Đường BTXM từ QL24C đến nóc ông Hồng, xã Trà Hiệp; Xây mới trường mầm mon xã Trà Phú; Đường Trà Hoa, xã Trà Lâm; Nối tiếp đường BTXM từ TL 622b tổ 1 Sơn Bàn đi tổ 2 Sơn Bàn, xã Trà Sơn; Trường Tiểu học Trà Khê, xã Sơn Trà; Nâng cấp mở rộng tuyến đường BTXM Eo Xà lan đi thôn Sơn (nối tiếp); Trường Mẫu giáo Trà Lãnh; Dự án Cụm công trình Thủy điện Tây Trà; Nâng cấp mở rộng chợ Trà Bình; Thủy điện Kà Tinh; Cầu Suối nang 3; Sân thể dục thể thao xã Trà Giang; Nhà bia tưởng niệm xã Trà Lâm; Trường TH và THCS Trà Lâm (Trường PTDTBT TH và THCS Trà Lâm); Trạm y tế xã Trà Sơn; Nhà bia tưởng niệm xã Trà Thủy; Đường Eo Chim - Trà Nham - dốc Bình Minh; Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ ngã 3 Thành Sương đi thôn Trà Huynh, xã Trà Nham; Sân thể thao xã Trà Phong; Nâng cấp mở rộng tuyến đường Trà Na - Trà Reo - Trà Bung, xã Trà Phong (giai đoạn 2); Nâng cấp , mở rộng tuyến đường từ UBND Xã đi tổ 10, thôn Trà Ong; Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ UBND xã đi Đội 3, thôn Trà Veo (đường nội vùng Hồ Nước Trong) nối tiếp; Điện sinh hoạt tổ 4 thôn Bắc Dương; BTXM tuyến đường từ Hồ Văn Xanh đi tổ 3 thôn Xanh (nối tiếp); Xây dựng trung tâm văn hóa thể thao xã Trà Bình; Đường nhà ông Thông đi Sình Nứa; Xây dựng nhà bia tưởng niệm xã Trà Giang; Đường Trà Bùi - Núi Cà Đam, huyện Trà Bồng; Tuyến đường số 2 trung tâm huyện lỵ Tây Trà; Trường TH và THCS Trà Hiệp (Xây dựng 02 phòng học điểm trường thôn Cả); Đường TL 622 đi Thạch Bích; Đường QL 24C đi thôn 1, xã Trà Thủy .
- Thực giảm 0,05 ha chuyển sang đất sinh hoạt cộng đồng để thực công trình Xây mới nhà văn hóa thôn Phú An; Xây dựng nhà văn hóa thôn Bình Thanh
Diện tích đất phát triển hạ tầng không thay đổi mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 là 2.131,64 ha.
* Đất có di tích lịch sử - văn hóa:
Đầu năm 2021 đất có di tích lịch sử - văn hóa có 0,72 ha, đến cuối năm 2021 có 1,21 ha, tăng 0,49 ha lấy từ đất rừng phòng hộ 0,01 ha và đất trồng cây lâu năm 0,48 ha.
Diện tích đất có di tích lịch sử - văn hóa không thay đổi mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 là 0,72 ha.
* Đất bãi thải, xử lý rác thải:
Diện tích đất bãi thải, xử lý rác thải đầu năm 2021 có diện tích 2,80 ha, diện tích cuối năm 2021 là 4,10 ha, tăng 1,30 ha, lấy từ đất rừng sản xuất để thực hiện công trình Khu xử lí rác thải xã Trà Bình
Diện tích đất bãi thải, xử lý rác thải không thay đổi mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 là 2,80 ha.
* Đất ở tại nông thôn:
Diện tích đất ở tại nông thôn đầu năm 2021 có diện tích 350,60 ha, đến  cuối năm 2021 có 354,63 ha, thực tăng 4,03 ha. Trong đó:
- Diện tích tăng 4,14 ha lấy từ đất trồng lúa 0,54, đất trồng cây lâu năm 2,90 ha và đất trồng cây hàng năm khác 0,70 ha để thực hiện công trình Xây dựng Khu dân cư Trà Phú, thôn Phú Tài, xã Trà Phú (từ nhà ông Bình đến nhà ông Vinh thuộc xứ đồng Đá Bàn) và nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.
- Diện tích giảm 0,11 ha do chuyển sang đất phát triển hạ tầng để thực hiện công trình Đường Trà Hoa, xã Trà Lâm; Đường TL 622 đi Thạch Bích.
Diện tích đất ở tại nông thôn không thay đổi mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 là 350,49 ha.
* Đất ở tại đô thị:
Đầu năm 2021 đất ở tại đô thị có 45,81 ha, đến cuối năm 2021 có 50,19 ha, tăng 3,38 ha được lấy từ đất trồng lúa 0,65 ha; đất trồng cây hàng năm khác 2,43 ha và đất trồng cây lâu năm 1,30 ha để thực hiện công trình Đầu tư xây dựng khu dân cư Đồi Sim, thị trấn Trà Xuân; Đầu tư xây dựng KDC Ngõ Đồn thị trấn Trà Xuân và nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.
Diện tích đất ở tại đô thị không thay đổi mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 là 45,81 ha.
* Đất xây dựng trụ sở cơ quan:
Diện tích đất trụ sở cơ quan không thay đổi trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 không thay đổi so với hiện trạng là 14,53 ha.
* Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp:
Diện tích đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp đầu năm 2021 là 2,28 ha, đến cuối năm 2021 có 2,71 ha, tăng 0,43 ha được lấy từ đất trồng lúa 0,41 ha và đất trồng cây lâu năm 0,02 ha để thực hiện công trình Xây dựng khu trung tâm lưu trữ huyện Trà Bồng; Xây dựng chi cục thuế huyện Trà Bồng.
Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp không thay đổi mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 là 2,28 ha.  
* Đất cơ sở tôn giáo:
Diện tích đất cơ sở tôn giáo trong kế hoạch năm 2021 không thay đổi so với hiện trạng là 0,43 ha.
* Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng:
Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng đầu năm 2021 có 202,23 ha, đến cuối năm 2021 có 204,76 ha, thực tăng 2,53 ha.
- Diện tích tăng 3,00 ha lấy từ đất trồng rừng sản xuất 2,50 ha và đất trồng cây lâu năm 0,50 ha để thực hiện công trình Nghĩa trang nhân dân xã Trà Phú; Nghĩa địa nhân dân xã Trà Bình.
- Diện tích giảm 0,47 do chuyển sang đất phát triển hạ tầng 0,17 ha (để thực hiện công trình Đường Trà Hoa, xã Trà Lâm; Thủy điện Trà Phong), đất cụm công nghiệp 0,1 ha (để thực hiện công trình Đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp thị trấn Trà Xuân), đất sinh hoạt cộng đồng 0,20 ha (để thực hiện công trình Xây dựng nhà văn hóa thôn Bình Thanh).
Diện tích đất nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng không thay đổi mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 là 201,76 ha.
* Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm:
Diện tích đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm trong kế hoạch năm 2021 không thay đổi so với hiện trạng là 3,69 ha.
* Đất sinh hoạt cộng đồng: 
Đất sinh hoạt cộng đồng đầu năm 2021 có 7,81 ha, đến cuối năm 2021 có 8,30 ha, thực tăng 0,49 ha do thực hiện công trình Xây mới nhà văn hóa thôn Phú An, Nhà văn hóa thôn Đông, Nhà văn hóa thôn Bình Đông, Xây dựng nhà văn hóa thôn Bình Thanh.
Diện tích đất sinh hoạt cộng đồng không thay đổi mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 là 7,81 ha.
* Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối 
Diện tích đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối đầu năm 2021 có 1.358,52 ha, đến cuối năm 2021 có 1.310,29 ha, giảm 48,23 ha do chuyển sang đất phát triển hạ tầng để thực hiện công trình Đường Trà Hoa, xã Trà Lâm; Dự án Cụm công trình Thủy điện Tây Trà; Thủy điện Kà Tinh; Thủy điện Trà Phong.
Diện tích đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối không thay đổi mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 là 1.310,29 ha.
* Đất có mặt nước chuyên dùng 
Diện tích đất có mặt nước chuyên dùng trong kế hoạch năm 2021 không thay đổi so với hiện trạng là 12,77 ha.
3. Đất chưa sử dụng:
Diện tích đất chưa sử dụng trên địa bàn huyện đầu năm 2021 là 197,39  ha, đến cuối năm 2021 còn 191,28 ha, giảm 6,11 ha do chuyển sang đất phát triển hạ tầng để thực hiện công trình Đường Trà Hoa, xã Trà Lâm; Nối tiếp đường BTXM từ TL 622b tổ 1 Sơn Bàn đi tổ 2 Sơn Bàn; Dự án Cụm công trình Thủy điện Tây Trà; Thủy điện Kà Tinh; Đường Eo Chim - Trà Nham - dốc Bình Minh; Thủy điện Trà Phong
Diện tích đất chưa sử dụng không thay đổi mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 là 191,28 ha.
III. DIỆN TÍCH CÁC LOẠI ĐẤT CẦN CHUYỂN MỤC ĐÍCH 
Đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp là 317,64 ha. Trong đó:
+ Đất trồng lúa chuyển sang đất phi nông nghiệp: 14,97 ha;
+ Đất trồng cây hàng năm khác chuyển sang đất phi nông nghiệp: 10,24 ha;
+ Đất trồng cây lâu năm chuyển sang đất phi nông nghiệp: 146,98 ha;
+ Đất rừng sản xuất chuyển sang đất phi nông nghiệp: 117,02 ha;
+ Đất rừng phòng hộ chuyển sang đất phi nông nghiệp: 28,43 ha
 (Chi tiết tại biểu 07/CH)
IV. DIỆN TÍCH CẦN THU HỒI ĐẤT
1. Đất nông nghiệp:
Tổng diện tích đất nông nghiệp phải thu hồi trong năm kế hoạch 2021 là 317,64 ha. Trong đó: đất trồng lúa 14,97 ha (đất chuyên trồng lúa nước 14,97 ha); đất trồng cây hàng năm khác 9,24 ha; đất trồng cây lâu năm 146,84 ha; đất rừng sản xuất 117,02; đất rừng phòng hộ 28,43 ha.
2. Đất phi nông nghiệp: 
Đến cuối năm 2021, diện tích đất phi nông nghiệp phải thu hồi để chuyển mục đích sử dụng sang các loại đất khác trong nội bộ đất phi nông nghiệp là 67,51 ha. Trong đó: đất phát triển hạ tầng 18,45 ha; đất ở tại nông thôn 0,11 ha; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa 0,47 ha; đất sông ngòi, kênh, rạch, suối 48,23 ha; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp 0,25 ha
(Chi tiết tại biểu 08/CH)
V. DIỆN TÍCH ĐẤT CHƯA SỬ DỤNG ĐƯA VÀO SỬ DỤNG
- Trong năm kế hoạch diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng cho mục đích nông nghiệp là không có. 
- Trong năm kế hoạch diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp là 6,11 ha.
(Chi tiết tại biểu 09/CH)
VI. DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN TRONG NĂM KẾ HOẠCH 2021
Danh mục công trình dự kiến thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 trên địa bàn huyện là 66 công trình với tổng diện tích 384,06 ha. Trong đó: 
1. Danh mục công trình, dự án thuộc Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai gồm có: 65 công trình, dự án với tổng diện tích 383,86 ha. Trong đó: 
+ Năm 2016 kéo dài: 05 công trình, dự án với diện tích 1,52 ha;
+ Năm 2017 kéo dài: 04 công trình, dự án với diện tích 26,13 ha;
+ Năm 2018 chuyển sang: 04 công trình, dự án với diện tích 6,17 ha;
+ Năm 2019 chuyển sang: 05 công trình, dự án với diện tích 187,15 ha;
+ Năm 2020 chuyển sang: 39 công trình, dự án với diện tích 156,47 ha;
+ Đăng ký mới 2021: 08 công trình, dự án với diện tích 6,42 ha (phụ biểu 01 kèm theo)
2. Danh mục công trình, dự án không thuộc quy định tại Khoản 3 Điều 62 và Khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai gồm có: 01 công trình với diện tích 0,20 ha (Chuyển tiếp từ kế hoạch sử dụng đất 2020). 
(Chi tiết tại biểu 10/CH)
3. Danh mục công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp (Điều 58 Luật Đất đai) gồm có: 20 công trình, dự án với tổng diện tích 14,97 ha đất trồng lúa (toàn bộ là đất chuyên trồng lúa nước) và 28,43 đất trừng phòng hộ. Trong đó:
+ Năm 2017 kéo dài: 03 công trình, dự án với diện tích 0,50 ha đất trồng lúa;
+ Năm 2018 chuyển sang: 02 công trình, dự án với diện tích 0,32 ha đất trồng lúa;
+ Năm 2019 chuyển sang: 02 công trình, dự án với diện tích 4,10 ha đất trồng lúa và 9,28 đất rừng phòng hộ;
+ Năm 2020 chuyển sang: 11 công trình, dự án với diện tích 8,43 ha đất trồng lúa và 18,51 ha đất rừng phòng hộ. 
+ Năm 2021 đăng ký: 02 công trình, dự án với diện tích 1,62 ha đất trồng lúa và 0,64 ha đất rừng phòng hộ, trong đó 01 công trình, dự án đăng ký bổ sung diện tích (phụ biểu 02)
(Chi tiết tại biểu 10/CH)
VII. DỰ KIẾN CÁC KHOẢN THU, CHI LIÊN QUAN ĐẾN ĐẤT ĐAI TRONG NĂM KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT 
1. Căn cứ tính toán 
Việc tính toán các khoản thu, chi liên quan đến đất đai trong kế hoạch sử dụng đất năm 2020 huyện Trà Bồng được dựa trên các căn cứ chính sau:
- Luật Đất đai năm 2013;
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
- Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chỉnh phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định, Quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
- Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về giá đất;
- Nghị định số 104/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về khung giá đất;
- Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;
- Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;
- Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
- Quyết định số 49/2017/QĐ-UBND ngày 18/8/2017 của UBND tỉnh ban hành quy định mật độ và đơn giá cây trồng để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;
- Quyết định số 50a/2017/QĐ-UBND ngày 22/8/2017 của UBND tỉnh ban hành Quy định về đơn giá bồi thường nhà, vật kiến trúc khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;
- Quyết định số 79/2017/QĐ-UBND ngày 12/12/2017 của UBND tỉnh ban hành quy định về trình tự, thủ tục khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;
- Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 18/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;
- Quyết định số 73/2017/QĐ-UBND ngày 06/11/2017 của UBND tỉnh sửa đổi Điều 31 Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ban hành kèm theo Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 18/8/2017 của UBND tỉnh;
- Quyết định số 11/2020/QĐ-UBND ngày 08/6/2020 của UBND tỉnh Quảng Ngãi Ban hành Quy định về giá các loại đất trên địa bàn tỉnh áp dụng cho thời kỳ 05 năm (2020-2024);
- Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 06/8/2020 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. 
2. Dự kiến các khoản thu - chi liên quan đến đất đai trong năm 2021
- Tổng nguồn thu từ việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất là 232.411.075.000 đồng (Hai trăm ba mươi hai tỷ, bốn trăm mười một triệu, bảy mươi lăm nghìn đồng). Nguồn thu này chưa tính các khoản hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, doanh nghiệp và đóng góp của nhân dân.
- Tổng chi phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: 225.419.200.000 đồng (Hai trăm hai mươi lăm tỷ, bốn trăm mười chín triệu, hai trăm nghìn đồng). Nguồn chi này chưa tính chi phí đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi như giao thông, trường học, …
- Cân đối thu - chi: + 6.991.875.000 đồng (Sáu tỷ, chín trăm chín mươi mốt triệu, tám trăm bảy mươi lăm nghìn đồng)
TT Hạng mục Diện tích (ha) Đơn giá (1000đ/m2) Đơn giá (1000đ/ha) Thành tiền (1000đ/ha) Ghi chú
 
(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7)
  Dự kiến các khoản chi 225.419.200  
1 Chi cho thu hồi đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác 6,45 28 280.000 2.257.500 Thị trấn
18,76 22 220.000 4.127.200 Miền núi
2 Chi cho thu hồi đất trồng cây lâu năm 3,31 28 280.000 1.158.500 Thị trấn
143,67 22 220.000 31.607.400 Miền núi
3 Chi cho bồi thường đất rừng sản xuất 117,02 10 100.000 11.702.000 Miền núi
  Chi cho bồi thường đất rừng phòng hộ 28,43 10 100.000 2.843.000 Miền núi
4 Chi cho bồi thường đất ở tại nông thôn 0,11 180 1.800.000 198.000 Miền núi
5 Chi hỗ trợ cho thu hồi đất nông nghiệp 317,64 18 180.000 171.525.600 Gấp 3 lần giá đất thu hồi
 
TT Hạng mục
  Diện tích (ha) Đơn giá (1000đ/m2) Đơn giá (1000đ/ha) Thành tiền (1000đ/ha) Ghi chú
(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7)
  Dự kiến các nguồn thu 232.411.075  
1 Thu từ chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình cá nhân Thị trấn 3,1 1500 15.000.000 46.500.000  
Miền núi 6,61 700 7.000.000 46.270.000  
2 Thu từ chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất Miền núi 310,02 350 3.500.000 132.921.075 Thành tiền = diện tích * 50% giá đất ở tại vị trí thuê* 0,5%* thời gian thuê (49 năm)
3 Thu từ tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất Thị trấn 0,78 1500 15.000.000 4.290.000 Thành tiền = diện tích *giá đất- tiền được miễn giảm, khấu trừ
Miền núi 0,54 700 7.000.000 2.430.000 Thành tiền = diện tích *giá đất- tiền được miễn giảm, khấu trừ
 
 
PHẦN IV
GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT
I. CÁC GIẢI PHÁP BẢO VỆ, CẢI TẠO ĐẤT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
- Áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng khu vực trên địa bàn huyện;
- Đẩy mạnh việc khoanh nuôi, bảo vệ, trồng mới rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng độ che phủ cho đất và trồng cây xanh phân tán trong các khu vực phát triển công nghiệp. Đầu tư các công trình xử lý chất thải ở các khu, cụm công nghiệp, bệnh viện…;
- Thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư theo quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Kiểm soát việc bảo vệ môi trường đối với cụm sản xuất mới ngay từ khâu lập quy hoạch;
- Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản đặc biệt là khai thác đá, vật liệu xây dựng thông thường, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm khai thác tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên;
- Đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, trước khi phê duyệt dự án cần bắt buộc thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát khi các dự án đi vào hoạt động. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường.
II. GIẢI PHÁP NGUỒN LỰC, VỐN ĐẦU TƯ
- Các chủ đầu tư của các công trình dự án cần phải bố trí đủ nguồn vốn để bồi thường đất, hỗ trợ, tái định cư nhằm đẩy nhanh tiến độ công tác thu hồi đất;
-  Huy động nhiều nguồn vốn và quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quan trọng để tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn;
- Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách trong việc bồi thường thiệt hại, tái định cư của tỉnh đã ban hành áp dụng trên địa bàn;
- Vận động nhân dân hiến đất, góp vốn, xã hội hóa nguồn vốn để xây dựng các công trình dự án phục vụ cho mục đích công cộng, dân sinh như đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, các khu vui chơi giải trí, ...
III. GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT
Sau khi phương án kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện được phê duyệt, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần triển khai các biện pháp tổ chức thực hiện như sau:
- Công bố, công khai kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định;
- Triển khai thực hiện quản lý đất đai và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, hộ  gia đình, cá nhân theo kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt;
- Xây dựng các biện pháp cụ thể để quản lý, thực hiện và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất; theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch sử dụng đất;
- Ưu tiên quỹ đất cho các nhu cầu phát triển như thương mại dịch vụ, xây dựng đô thị, khu dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật;
- Xây dựng quy chế giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý hạ tầng, quản lý quỹ đất dành cho công trình công cộng trong khu vực dự án,... 
- Thường xuyên và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật đất đai nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất;
- Kiên quyết thu hồi diện tích đất các dự án không sử dụng, chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích theo đúng quy định của Luật Đất đai;
- Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai theo hướng tinh gọn, đơn giản và giảm thời gian thực hiện;
- Thực hiện tốt đề án phát triển nguồn nhân lực của huyện, tiếp tục thực hiện chính sách thu hút đội ngũ cán bộ giỏi về công tác tại huyện;
- Thực hiện chính sách hỗ trợ nghề và đào tạo việc làm cho hộ nông dân sau khi thu hồi đất sản xuất nông nghiệp;
- Ưu tiên các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia như: Xây dựng nông thôn mới, đường Quốc lộ 24C, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, xây dựng các khu dân cư, cụm công nghiệp để thu hút vốn đầu tư. 
PHẦN V
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
I.  KẾT LUẬN
Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Trà Bồng, được xây dựng đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013; Nghị định số 43/2014/NĐ/CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai; Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 06/01/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai, Thông tư số 29/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Trà Bồng, được xây dựng trên cơ sở Phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Căn cứ nhu cầu sử dụng đất năm 2021 của các ngành, lĩnh vực, các địa phương, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và căn cứ vào điều tra đánh giá hiện trạng sử dụng, tiềm năng quỹ đất đai của huyện. 
Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 là cơ sở pháp lý để thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai, là căn cứ để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện Trà Bồng theo đúng quy định.
II. KIẾN NGHỊ
Để kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của huyện Trà Bồng đạt hiệu quả cao, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của huyện; hướng các đối tượng sử dụng đất vào việc khai thác và sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý sử dụng đất. Ủy ban nhân dân huyện Trà Bồng kính đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tổ chức thẩm định, phê duyệt kế hoạch, đồng thời có chính sách đầu tư, hỗ trợ nhằm thực hiện tốt kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà huyện đã đề ra.
 
 
PHỤ LỤC CÁC BẢNG BIỂU TRONG KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT
STT TÊN BẢNG NỘI DUNG SỐ TRANG
1 Bảng 1 Diện tích tự nhiên phân theo đơn vị hành chính 24
2 Bảng 2 Công trình, dự án đã có quyết định giao đất 33
3 Bảng 3 Các công trình, dự án đã có quyết định thu hồi đất 34
4 Bảng 4 Các công trình, dự án đã có thông báo thu hồi đất 34
5 Bảng 5 Các công trình, dự án đang triển khai thực hiện 36
6 Bảng 6 Các công trình, dự án chưa triển khai thực hiện 37
7 Bảng 7 Kết quả thực hiện các chỉ tiêu KHSDĐ 2020 38
HỆ THỐNG BẢNG BIỂU KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2021
TT Ký hiệu Tên bảng biểu
1 Biểu 01/CH Hiện trạng sử dụng đất năm 2020 của huyện Trà Bồng
2 Biểu 02/CH Kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Trà Bồng
3 Biểu 06/CH Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của huyện Trà Bồng
4 Biều 07/CH Kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất năm 2021 của huyện Trà Bồng
5 Biểu 08/CH Kế hoạch thu hồi đất năm 2021 của huyện Trà Bồng
6 Biểu 09/CH Kế hoạch đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng năm 2021 
7 Biểu 10/CH Danh mục các công trình dự án thực hiện trong năm 2021 
8 Biểu 13/CH Chu chuyển đất đai trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 
9 Phụ biểu 1 Danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất năm 2021 
10 Phụ biểu 2 Danh mục công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp năm 2021 
11 Phụ biểu 3 Danh mục công trình, dự án xin tiếp tục thực hiện trong năm 2021
12 Phụ biểu 7 Danh mục công trình, dự án không thực hiện đề nghị loại bỏ
13 Phụ biểu 8 Danh mục công trình, dự án đăng ký, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 
14 Phụ biểu 9 Danh mục công trình, dự án đăng ký bổ sung diện tích năm 2021
15 Phụ biểu 10 Danh sách các thửa đất đăng ký chuyển mục đích từ các loại đất khác sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Trà Bồng
MỤC LỤC
        ĐẶT VẤN ĐỀ
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ LẬP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT 1
1. Căn cứ pháp lý 1
1.1. Các văn bản chung 1
1.2. Căn cứ pháp lý lập kế hoạch sử dụng đất năm 2021 2
1.3. Chủ đầu tư: 3
1.4. Đại diện Chủ đầu tư: 3
1.5. Đơn vị thực hiện: 3
2. Các tài liệu có liên quan 3
II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NỘI DUNG LẬP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2021 CỦA HUYỆN TRÀ BỒNG 4
1. Mục đích, yêu cầu 4
1.1. Mục đích 4
1.2. Yêu cầu 4
2. Nội dung lập kế hoạch sử dụng đất 5
PHẦN I
KHÁI QUÁT VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG 6
1. Điều kiện tự nhiên 6
1.1. Vị trí địa lý 6
1.2. Địa hình, địa mạo 6
1.3. Thủy văn 7
1.4. Khí hậu, thời tiết 8
1.4.1. Nhiệt độ 8
1.4.2. Lượng mưa 8
1.4.3. Độ ẩm không khí 8
1.4.4. Gió, bão 8
2. Các nguồn tài nguyên 9
2.1. Tài nguyên đất 9
2.1.1. Nhóm đất phù sa 9
2.1.2. Nhóm đất xám (AC) 10
2.1.3. Nhóm đất đỏ vàng (F): 11
2.1.4. Nhóm đất mùn vàng đỏ (HA): 11
2.1.5. Nhóm đất thung lũng dốc tụ (DG) 11
2.2. Tài nguyên rừng 12
2.2.1. Thảm thực vật 12
2.2.2. Hệ động vật rừng 12
2.3. Tài nguyên nước 12
2.3.1. Nguồn nước mặt 12
2.3.2. Nguồn nước ngầm 13
2.4. Tài nguyên khoáng sản 13
2.5. Tài nguyên du lịch 14
2.6. Tài nguyên nhân văn 14
3. Thực trạng môi trường 14
3.1. Thực trạng môi trường không khí 15
3.2. Thực trạng môi trường nước 15
3.3. Thực trạng môi trường đất 15
3.4. Tình trạng suy thoái tài nguyên rừng 15
3.5. Môi trường nông nghiệp và nông thôn 15
II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI 16
1. Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế 16
1.1. Tăng trưởng kinh tế 16
1.2. Cơ cấu kinh tế 16
2. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế 17
2.1. Sản xuất Nông - Lâm - Ngư nghiệp 17
2.1.1. Trồng trọt 17
2.1.2. Chăn nuôi 17
2.1.3. Lâm nghiệp 17
2.1.4. Ngư nghiệp: 18
2.1.5. Công tác thủy lợi, phòng chống hạn: 18
2.1.5. Về xây dựng nông thôn mới: 18
2.1.6. Phát triển kinh tế tập thể: 18
2.2. Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp 18
2.3. Thương mại - dịch vụ 19
2.4. Công tác quản tài nguyên và môi trường 19
2.5. Thu, chi ngân sách nhà nước 19
2.6. Đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng 20
3. Văn hóa - xã hội 20
3.1. Lao động, việc làm, công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội 20
3.2. Giáo dục và Đào tạo 21
3.3. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân 21
3.4. Văn hoá thông tin, Thể dục thể thao, Truyền thanh truyền hình 21
3.5. Dân tộc và miền núi 22
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG 22
1. Những thuận lợi 22
2. Những khó khăn 22
IV. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI 23
1. Tình hình quản lý sử dụng đất đai 23
2. Hiện trạng sử dụng đất và biến động các loại đất 24
2.1. Phân tích hiện trạng sử dụng các loại đất 24
2.1.1 Diện tích phân theo đơn vị hành chính 24
2.1.2. Diện tích đất phân theo mục đích sử dụng 25
2.2. Phân tích đánh giá biến động các loại đất 28
2.2.1. Biến động tổng quỹ đất đai 28
2.2.2. Biến động theo các mục đích sử dụng giai đoạn 2019 - 2020 28
PHẦN II
KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM TRƯỚC 33
1. Công trình, dự án đã có quyết định giao đất 33
2. Công trình đã có quyết định thu hồi đất 34
3.  Công trình đã có thông báo thu hồi đất 34
4.  Công trình đang triển khai thực hiện 36
5.  Công trình chưa triển khai thực hiện 37
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU 38
1. Đất nông nghiệp 38
2. Đất phi nông nghiệp 39
3. Đất chưa sử dụng 40
III. ĐÁNH GIÁ NHỮNG TỒN TẠI TRONG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM TRƯỚC 40
1. Đánh giá tồn tại 40
2. Nguyên nhân 41
IV. CÔNG TRÌNH  KHÔNG THỰC HIỆN ĐỀ NGHỊ LOẠI BỎ 41
PHẦN III
LẬP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT 2021
I.NHU CẦU SỬ DỤNG ĐẤT CHO CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC 42
1. Chỉ tiêu sử dụng đất 42
2. Nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực 43
2.1. Chỉ tiêu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất 43
2.2. Nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình cá nhân 46
2.3. Công trình, vị trí đăng ký tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện 47
II. TỔNG HỢP VÀ CÂN ĐỐI CÁC CHỈ TIÊU 47
1. Đất nông nghiệp: 47
2. Đất phi nông nghiệp: 49
3. Đất chưa sử dụng: 53
III. DIỆN TÍCH CÁC LOẠI ĐẤT CẦN CHUYỂN MỤC ĐÍCH 53
IV. DIỆN TÍCH CẦN THU HỒI ĐẤT 54
1. Đất nông nghiệp: 54
2. Đất phi nông nghiệp: 54
V. DIỆN TÍCH ĐẤT CHƯA SỬ DỤNG ĐƯA VÀO SỬ DỤNG 54
VI. DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN TRONG NĂM KẾ HOẠCH 2021 54
VII. DỰ KIẾN CÁC KHOẢN THU, CHI LIÊN QUAN ĐẾN ĐẤT ĐAI TRONG NĂM KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT 55
1. Căn cứ tính toán 55
2. Dự kiến các khoản thu - chi liên quan đến đất đai trong năm 2021 56
PHẦN IV
GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT
I. CÁC GIẢI PHÁP BẢO VỆ, CẢI TẠO ĐẤT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 58
II. GIẢI PHÁP NGUỒN LỰC, VỐN ĐẦU TƯ 58
III. GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT 59
PHẦN V
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
I.  KẾT LUẬN 60
II. KIẾN NGHỊ 60
PHỤ LỤC CÁC BẢNG BIỂU TRONG KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT 61
MỤC LỤC 62

BBT

Tài liệu đính kèm: Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.rar

Tin liên quan

Cổng thông tin điện tử Huyện Trà Bồng - Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc UBND huyện Trà Bồng

Chịu trách nhiệm xuất bản: Ông Hồ Văn Thịnh - PCT UBND huyện Trà Bồng - Trưởng Ban Biên tập

Điện thoại liên hệ: 0982.865797

Ds News Ds News