Chung tay xoá bỏ tập quán chăn nuôi gia súc thả rông, góp phần bảo đảm ANTT, xây dựng xã hội nông thôn mới ở vùng miền núi huyện Trà Bồng
Chăn nuôi gia súc theo tập quán thả rông là phương pháp chăn nuôi đã tồn tại từ lâu đời chưa được xóa bỏ ở nhiều xóm, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại huyện miền núi Trà Bồng. Phương pháp chăn nuôi này ít nhiều đã đem lại hiệu quả kinh tế nhất định cho các hộ dân tại địa phương (không tốn quá nhiều công chăm sóc). Tuy nhiên, những hệ luỵ của tập quán này gây ra tác động rất lớn về kinh tế (thiệt hại tài sản người khác, hiệu quả kinh tế không cao), ảnh hưởng về môi trường, đời sống văn hoá cộng đồng và nhiều vấn đề phức tạp về ANTT. Hiện nay muốn xây dựng một xã hội nông thôn mới theo hướng hiện đại, yêu cầu xoá bỏ tập quán chăn nuôi gia súc thả rông tại vùng nông thôn miền núi là yêu cầu hết sức cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cung tay giúp sức của toàn xã hội và cộng đồng dân cư vùng nông thôn.
Chỉ cần đi theo các tuyến đường liên huyện, liên xã, thậm chí theo Tuyến Tỉnh lộ 622B, Quốc lộ 24C ngang các xã miền núi huyện Trà Bồng chúng ta gặp không ít cảnh đàn bò (vài con, thậm chí vài chục con) nhởn nhơ đi lại trên đường (có cả trường hợp ngủ qua đêm) mà không có bất kỳ người nào trông (coi). Theo ghi nhận của Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện đã có rất nhiều trường hợp xảy ra tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện va chạm phải gia súc thả rông trên đường. Điển hình đêm ngày 01/5/2024, tại đường Tỉnh lộ 622B, thuộc địa phận thôn Hà Riềng, xã Trà Phong, anh H.N.P điều khiển xe mô tô chở theo H.V.C do không phát hiện kịp thời đã tông vào 01 con bò đang nằm trên đường. Hậu quả anh H.V.C tử vong, nh H.N.P bị thương tích, xe bị hư hỏng, con bò chết tại chổ, hậu quả thật đau lòng. Ngoài ra, theo thống kê của Công an các xã hàng năm Công an xã phải phối hợp với các ban, ngành cấp xã và cấp thôn hoà giải hàng chục vụ gia súc thả rông gây thiệt hại tài sản của người khác trên địa bàn (nhiều nhất là gia súc vào rẫy lúa, rẫy keo)… Cũng chính từ những vụ thả rông gia súc đã làm cho tình làng, nghĩa xóm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Nhiều vụ phải mất rất nhiều thời gian, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị mới hoà giải thành công. Đồng chí Thiếu tá Nguyễn Công An – Trưởng Công an xã Trà Hiệp cho biết: “Tại địa phương xã Trà Hiệp tình trạng thả rông gia súc rất phổ biến và là tập quán chăn nuôi khó bỏ được của đồng bào nơi đây, rất nhiều hộ dân chăn nuôi theo hướng thả rông. Thậm chí có nhiều hộ nuôi bò thả rông đến khi dắt bò trên núi về bán không được, phải dùng lưới hoặc dùng giáo (săn) mới có thể bắt và bán được bò. Nhiều vụ gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương. Điển hình trong năm 2022 vì bức xúc với tình trạng bò thả rông gây thiệt hại hoa màu của một số hộ dân Thôn 2, xã Trà Thuỷ, 13 hộ dân ở Thôn Nguyên đã làm bẫy chông, gây chết bò của người dân Thôn 2, từ đó dẫn đến mâu thuẫn, mất đoàn kết của Nhân dân 02 thôn. Phải mất nhiều thời gian, với sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị 02 địa phương mới có thể giải quyết ổn thoả”.
Hình ảnh: Gia súc thả rông trên các tuyến Tỉnh lộ 622B
Hay tại Trà Thanh, tháng 8 năm 2023 cũng vì bức xúc trước việc đàn bò thả rông vào ruộng ăn lúa của gia đình mình, anh H. V. V. (sinh năm 1993), thường trú tại thôn Vuông, xã Trà Thanh đã đâm chết 01 con bò. Hậu quả vụ việc anh V đã bị Toà án Nhân dân tỉnh xét xử, tuyên án với mức hình phạt 06 tháng tù về tội “Huỷ hoại tài sản” (nhưng cho hưởng án treo). Đó là chưa kể nhiều vụ việc gia súc thả rông bị mất tích nhưng không báo với cơ quan chức năng. Tình trạng thả rông gia súc còn ảnh hưởng rất xấu đối với cảnh quanh môi trường, hiện tượng gia súc phóng uế bừa bãi đã trở thành phổ biến ở các thôn, xóm vùng cao huyện Trà Bồng.
Mặc dù các quy định của pháp luật để xử lý trách nhiệm trong việc chăn nuôi gia súc thả rông là không thiếu (hành chính, dân sự, hình sự…) đều có. Tuy nhiên xử lý theo quy định pháp luật là không đủ để thay đổi phương pháp sản xuất, chăn nuôi đã tồn tại từ lâu được. Vì cơ bản chăn nuôi gia súc thả rông là một tập quán, nó đã ăn sâu bén rễ hàng nhiều đời nên khó có thể xóa bỏ trong một thời gian ngắn. Các biện pháp nghiêm cấm hoặc cưỡng chế của chính quyền cũng ít phát huy tác dụng bởi nó liên quan đến nếp nghĩ, cách làm của nhiều thế hệ. Chỉ có thể tác động làm thay đổi nhận thức cộng đồng, biến thành những hành động tự giác của mỗi thành viên mới phát huy hiệu quả. Do đó nên vận dụng các hình thức tuyên truyền đa dạng, thiết thực, phù hợp với trình độ nhận thức của người dân. Trước hết hướng vào các đối tượng dễ tác động như hộ gia đình đoàn viên thanh niên, cán bộ, đảng viên, già làng…phải gương mẫu làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc. Đồng thời nên đưa nội dung này vào hương ước, quy ước của mỗi thôn, làng, khu dân cư và khi triển khai thực hiện phải tiến hành đồng bộ, kiên quyết. Chăn nuôi gia súc thả rông là công việc riêng của mỗi gia đình, nhưng nó lại là vấn đề xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống chung của cộng đồng. Vì vậy cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, của mỗi tổ chức, cá nhân trong cộng đồng dân cư.
Xã hội ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Chương trình xây dựng Nông thôn mới đang được triển khai rầm rộ trên địa bàn cả nước, nếu không xóa bỏ tập quán chăn nuôi gia súc thả rông, việc quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung sẽ không còn ý nghĩa, rất khó thực hiện tiêu chí về vệ sinh môi trường nông thôn, về ANTT. Do đó công việc này cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp và toàn xã hội để xây dựng 01 xã hội nông thôn huyện miền núi Trà Bồng đậm đà bản sắc dân tộc nhưng tiên tiến, hiện đại và văn minh.
Tin, ảnh: Đông Nguyễn
Nguồn:admin.quangngai.gov.vn Sao chép liên kết