Công tác giảm nghèo của xã Sơn Trà đạt được nhiều kết quả quan trọng trong năm 2024
Tính đến cuối năm 2023, xã vùng cao Sơn Trà có 490 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ rất cao, hơn 63%. Theo nhận định của đồng chí Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Nguyễn Văn Dũng, thì đây chính là vùng “lõi nghèo” của huyện và tỉnh, thậm chí là của cả nước. Thực hiện Kế hoạch giảm nghèo trong năm 2024, xã Sơn Trà phải phấn đấu đến cuối năm 2024, giảm ít nhất là 152 hộ. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cấp uỷ, chính quyền địa phương, đặc biệt là quyết tâm thoát nghèo của người dân.
Xác định việc triển khai các chương trình MTQG trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững là việc khó hết sức khó khăn, nhưng với quyết tâm cao. Nhưng với quyết tâm, nỗ lực cao của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân, đồng thời tập trung nguồn lực triển khai thực hiện đầy đủ các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, công tác giảm nghèo của xã trong năm qua đã có sự thay đổi đáng kể và đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Theo báo cáo của xã Sơn Trà, tính đến cuối tháng 10/2024, toàn xã còn 335 hộ nghèo, đã giảm 155 hộ so với năm 2023, giảm 17,02%, đạt 100,6% chỉ tiêu huyện giao; về hộ cận nghèo giảm còn 170 hộ, giảm 76 hộ so với năm 2023, đạt tỷ lệ 8,38%.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trà, Phạm Hùng Thanh cho biết: Để có được kết quả giảm nghèo đạt tỷ lệ như vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương xã đã nhận thức sâu sắc được ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình MTQG đối với công tác giảm nghèo. Trước hết, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách được xã triển khai thực hiện sâu rộng đến người dân trên; tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân, và các đối tượng thụ hưởng. Vì vậy, các kết quả về phát triển kinh tế xã hội được nâng lên rõ rệt, Cụ thể: Tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 893 tấn, đạt 179,3% chỉ tiêu giao; Lương thực bình quân đầu người 212,1kg/người/năm, đạt 181% chỉ tiêu giao; về phát triển cây dược liệu, đã thu hoạch 25 tấn gừng gió bán cho Công ty Hoàng Linh Beotech thu về tổng giá trị hơn 750 triệu đồng.
Về lĩnh vực chăn nuôi: Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có đạt 4.394 con, đạt 87,7% chỉ tiêu giao. Trong đó, trâu 128 con, đạt 134,7%, bò 951 con, đạt 93,2%, dê 215 con, đạt 325,8%, lợn 400 con, đạt 54,9%, gia cầm 2.700 con, đạt 87,1% chỉ tiêu giao. Tổng số lượng thịt hơi đã cung cấp cho thị trường đạt trên 32 tấn. Về công tác tín dụng chính sách, cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất, tính đến cuối tháng 10/2024, ngân hàng chính sách huyện đã ủy thác cho các tổ chức chính trị của xã tổ chức cho hộ nghèo vay vốn là 150.000.000 đồng, tổng thu nợ 135.000.000 đồng; tổng dư nợ hiện tại của xã là hơn 22,4 tỷ đồng.
Về phát triển lâm nghiệp, đã thu hoạch 80 tấn quế, 12.000 tấn keo nguyên liệu, 100 tấn lồ ô; tiếp tục triển khai thực hiện diện tích trồng rừng mới đạt trên 1.104 ha, tỷ lệ độ che phủ của rừng đạt trên 35%; diện tích trồng quế mới ước đạt 90 ha. Trong đó, các hộ tự đầu tư giống là 22,4 ha, các hộ tham gia Dự án liên kết theo chuỗi giá trị là 67,6ha.
Về các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình giảm nghèo bền vững đã thực hiện giải ngân đạt 4,40 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng sửa chữa 184 nhà ở cho hộ nghèo, đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 33 nhà, 135 ngôi nhà đang gần hoàn thiện; Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã thực hiện xây dựng mới 26 nhà mới, giải ngân đạt 1,14 tỷ đồng; Về công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, đã thực hiện cấp 227 con bò giống cho 79 hộ nghèo chăn nuôi phát triển sản xuất.
Để đạt được những kết quả trên, xã chủ động xây dựng kế hoạch công tác trọng tâm trong từng tháng, quý và cả năm, trong đó đặc biệt chú trọng việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng chủ yếu theo Nghị quyết Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng như chỉ tiêu huyện giao theo kế hoạch. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể xã có liên quan trong thực hiện các chính sách, nhiệm vụ công tác lao động - việc làm, đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp, tuyên truyền để các đối tượng trong độ tuổi lao động tham gia làm công nhân tại các khu công nghiệp trong tỉnh, nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình…tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, công chức trong cơ quan và các các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Xã thường xuyên quan tâm rà soát, khảo sát, thu thập thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo, dự kiến thoát nghèo năm 2024 để có phương án giúp đỡ về hoàn cảnh sống, số người có khả năng lao động, nghề nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến nghèo, nhu cầu và năng lực của các hộ gia đình để có cơ sở đề xuất biện pháp hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững…
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, thì xã Sơn Trà vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế, đó là: Việc giải ngân vốn thực hiện một số dự án, tiểu dự án thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững còn chậm; công tác tuyên truyền, thu hút đào tạo nghề, tạo việc làm cho người nghèo còn bất cập, chưa thu hút được đông đảo người tham gia học nghề; một số cấp ủy, chi bộ, ban công tác mặt trận thôn chưa quan tâm đúng mức công tác tuyên truyền, vận động; nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước…
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả CTMTQG giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị xã Sơn Trà đã đưa ra những giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm thay đổi về nhận thức và hành động của người nghèo trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo để từ đó người nghèo được học tập kinh nghiệm. Tập trung triển khai các mô hình giảm nghèo tại các xã khó khăn, lựa chọn những mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp và hiệu quả đối với điều kiện của địa phương; tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với xuất khẩu lao động; thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đối với lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để họ có thể tự tạo việc làm tại chỗ hoặc tìm việc làm trên thị trường lao động và đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện CTMTQG giảm nghèo tại địa phương, nhất là hộ dân được thụ hưởng từ chương trình.
Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 và phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong toàn xã./.
Tin, ảnh: Phong Trà
Nguồn:admin.quangngai.gov.vn Sao chép liên kết