Trà Bồng chủ động “Gỡ khó” để giải ngân các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia
Theo thống kê của Uỷ ban nhân dân huyện Trà Bồng, tính đến cuối tháng 9, năm 2024, huyện đã thực hiện giải ngân vốn các chương trình MTQG là 130,5 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 24,03 % kế hoạch. Cụ thể, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tổng kế hoạch vốn đã phân bổ là hơn 170,7 tỷ đồng, trong đó giá trị giải ngân là 60,2 tỷ đồng, đạt 35,28% kế hoạch vốn; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tổng kế hoạch vốn đã phân bổ là 302,7 tỷ đồng, giá trị giải ngân là 51,1 tỷ đồng, đạt 19,27% kế hoạch vốn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được phân bổ là hơn 69,8 tỷ đồng, giá trị giải ngân chỉ mới đạt hơn 12 tỷ đồng, đạt 17,17% kế hoạch vốn. Mặc dù tỉ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm 2024 có tăng hơn so với những năm trước nhưng vẫn chậm so với kế hoạch đề ra. Việc triển khai các chương trình MTQG ở các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Hoàng Vĩnh cho biết, nguyên nhân khách quan của việc chậm giải ngân là do một số văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình của các bộ, ngành trung ương và tỉnh chưa đồng bộ, kịp thời, một số nội dung còn chồng chéo, chậm sửa đổi, bổ sung. Cụ thể đối với Chương trình phát triển KT -XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất còn vướng mắc do quỹ đất trên địa bàn các xã còn khá hạn chế. Vì vậy, các địa phương khó thực hiện công tác tạo mặt bằng, khai hoang đất sản xuất giao tập trung cho các hộ hưởng lợi. Bên cạnh đó, nguồn gốc đất chồng lấn giữa các cá nhân và doanh nghiệp chưa được bóc tách, đất chưa được chuyển giao từ các công ty lâm nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng... cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân của dự án nằm trong chương trình này. Việc quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư cần nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục vì các địa phương phải đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác với các dự án thực hiện làm cơ sở để thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư. Quy định đối với việc hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị chưa phù hợp với thực tiễn. Các doanh nghiệp chủ trì chuỗi giá trị không nằm trong diện được hỗ trợ, trong khi việc kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã làm đơn vị chủ trì liên kết còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các địa phương miền núi. Mặt khác, chương trình chỉ hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, trong khi đó sự tham gia của các hộ gia đình làm kinh tế giỏi là rất cần thiết vì họ là “đầu tàu” dẫn dắt, hỗ trợ các hộ nghèo vươn lên sản xuất. Tuy nhiên, chưa có cơ chế hỗ trợ phù hợp để tạo động lực thúc đẩy những hộ gia đình có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi tham gia vào chương trình, dự án.
Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, đối tượng đào tạo nghề được hỗ trợ quy định chưa thống nhất, vướng mắc trong xác định người lao động có thu nhập thấp. Mức hỗ trợ cho các đối tượng tham gia học nghề theo quy định so với thực tế hiện nay là quá thấp, không đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người tham gia học nghề…Đối với Chương trình NTM, bộ tiêu chí NTM nâng cao có nhiều chỉ tiêu khó thực hiện, cần nhiều nguồn lực, thời gian để hoàn thiện. Mục tiêu xây dựng thôn, bản NTM thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều thách thức. Hiện nay kết quả đạt được chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch, lộ trình mà các huyện đã đăng ký và được UBND tỉnh giao, mục tiêu đến cuối năm 2025 có 7 xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện về đích NTM nhưng đến nay mới có 2 xã được công nhận, 02 xã đang làm hồ sơ thẩm định. Vì thế, mục tiêu đặt ra của huyện là rất khó thực hiện. Mặt bằng chung của các xã nằm trong lộ trình đạt chuẩn giai đoạn 2024 - 2025 thấp (chỉ đạt từ 7 - 14 tiêu chí), còn nhiều tiêu chí khó chưa đạt, cần nguồn lực đầu tư lớn.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho rằng, bên cạnh các yếu tố khách quan thì nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là năng lực của cán bộ công chức ở một số địa phương vẫn còn hạn chế, bỡ ngỡ với công việc được giao, chậm trễ trong công tác tham mưu, một số địa phương vẫn còn tâm lý “sợ sai”, dẫn đến chưa quyết liệt trong việc triển khai và giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là trong việc giải ngân nguồn vốn chi thường xuyên. Các địa phương cũng gặp khó khăn trong việc tổ chức thực hiện, chậm phân bổ kế hoạch vốn, chậm giao dự toán và lập, phê duyệt các dự án đầu tư.
Việc thực hiện các chương trình MTQG có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Trà Bồng. Vì vậy, các ban, ngành, địa phương trong huyện cần nỗ lực, tập trung khắc phục khó khăn, quyết liệt hơn nữa trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình để tránh tình trạng “có tiền nhưng không tiêu được”.
Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm nhằm tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân, ngành chuyên môn cần tập huấn, hướng dẫn những nội dung liên quan đến 3 chương trình MTQG cho cán bộ ở cơ sở, nhất là các tài liệu, văn bản trung ương mới ban hành. Các phòng, ban, ngành cấp huyện căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công, thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các nội dung được giao; chỉ đạo UBND các xã phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”; các chủ đầu tư lập kế hoạch giải ngân chi tiết của từng dự án, từng nội dung để quản lý về tiến độ. Thời gian thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 không còn nhiều, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đã bố trí trong năm 2024, các địa phương cần rà soát phần việc đã làm và chưa làm, nắm bắt tồn tại, khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn cơ sở để đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời./.
Tin, ảnh: Phong Trà
Nguồn:admin.quangngai.gov.vn Sao chép liên kết