Từ cảnh nghèo khó, vợ chồng anh Hồ Văn Lách (31 tuổi) ở thôn Trung xã Trà Sơn đã đồng lòng, bảo ban nhau làm ăn.
“Ngày mới lấy vợ, 2 vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn, cả 2 đều còn trẻ, em không có người thân hỗ trợ nhưng may mắn được gia đình bên vợ giúp đỡ bảo ban nhiều, cả 2 cùng cố gắng. Hàng ngày 2 vợ chồng cùng dậy sớm lên phát rẫy, dọn đất, trồng keo; khi bán keo được ít vốn thì mua bò về nuôi, gây dựng dần dần….” Anh Lách chia sẻ.
Gần 5 năm nay, sau khi tham gia các sàn giao dịch việc làm trên huyện, biết được thông tin tuyển dụng, anh Lách đã đi làm công nhân ở Công ty Hòa Phát Dung Quất nên có thu nhập ổn định hàng tháng. Làm việc ở công ty theo ca nên thời gian nghỉ, anh về nhà giúp vợ trồng cỏ, nuôi bò, làm rẫy keo, ruộng lúa nước…, anh không quản ngại khó khăn.
Năm 2023, vợ chồng anh Lách được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở theo dự án 5 và cấp 2 con bò giống làm sinh kế. Từ nguồn hỗ trợ, cộng với gia tài sẵn có là 2 con bò, một số rẫy keo, ruộng lúa nước và thu nhập từ lương làm công nhân mỗi tháng 9 triệu, vợ chồng anh Lách đã chính thức thoát nghèo.
Chị Hồ Thị Duyên, vợ anh Lách hàng ngày chăm lo đưa đón 2 con đi học, làm ruộng, làm rẫy, chăm sóc đàn bò mỗi khi chồng làm ở công ty. Hai vợ chồng chủ động nguồn thức ăn cho bò như trồng rất nhiều cỏ xung quanh vườn, dự trữ rơm rạ sau thu hoạch. Chị Duyên còn dùng lúa hai xay lấy cám cho bò uống thêm.
“Hai vợ chồng đã bàn nhau là sẽ cùng cố gắng, ráng chăm sóc đàn bò thật tốt để nó nhanh đẻ, phát triển đàn thật tốt để có thu nhập thêm. Đối với công việc ở công ty, sẽ cố gắng làm thật tốt để có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng để lo cho con cái. Các nguồn từ trồng keo, nuôi bò sẽ để dành tích lũy dần…”. Anh Lách tâm sự.
Hiện nay, với nguồn thu từ tiền lương công nhân hơn 9 triệu đồng/tháng, lúa ruộng trồng đủ gạo ăn quanh năm, cùng với các nguồn sinh kế hiện có, vợ chồng anh Lách đã dần an cư lạc nghiệp.
Cách nhà anh Lách hơn 3 cây số là nhà vợ chồng anh Hồ Văn Cưu (1987) ở thôn Kà Tinh, xã Trà Sơn. Vợ chồng anh Cưu cũng nổi tiếng trong vùng là những gia đình trẻ có kinh tế vững vàng. Hiện nay, vợ chồng anh Cưu có một gia trại chăn nuôi tổng hợp gồm nuôi bò, heo, gà vịt và nuôi cá nước ngọt. Ngoài ra anh còn trồng keo, làm rẫy, vợ buôn bán tạp hoá nhỏ.
“Muốn thoát nghèo thì mình phải dựa vào sức mình là chính. Nhà nước có hỗ trợ nhưng mình không chịu làm thì sẽ không có của cải, thu nhập’. Anh Cưu bộc bạch.
Với chủ trương hỗ trợ cho những hộ biết làm ăn, có ý chí vươn lên thoát nghèo, măm 2023, từ các nguồn hỗ trợ, Mặt trận xã đã xét chọn hỗ trợ bò giống cho vợ chồng anh Cưu, cùng với nội lực của gia đình, cuối năm 2023, gia đình anh Cưu đã thoát nghèo.
Biết tình toán làm ăn, tận dụng đất vườn nhà rộng, năm ngoái, vợ chồng anh vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Ngân hàng chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng để đầu tư trồng keo trên rẫy và làm hồ nuôi cá nước ngọt. Thời gian rảnh rỗi anh Cưu đi làm keo thuê để kiếm thêm thu nhập.
“Con cái mỗi ngày mỗi lớn, mình còn trẻ, còn sức khoẻ thì phải nỗ lực làm ăn, chỉ có siêng năng làm việc, cố gắng từ sức của mình thì mới thoát nghèo được, chứ mình không trông chờ hay ỷ lại vào nhà nước. Được hỗ trợ bò giống là mừng lắm rồi, mình ráng trồng cỏ, dự trữ rơm rạ làm thức ăn cho bò để nuôi nó nhanh lớn, nhanh đẻ, phát triển đàn để có thu nhập tốt hơn, lo cho con cái nữa”. Anh Cưu chia sẻ.
Thoát nghèo bền vững luôn là một thác thức lớn đối với địa phương miền núi Trà Bồng. Việc các gia đình trẻ biết tính toán làm ăn, chăm chỉ, cần cù, vượt khó vươn lên như gia đình anh Lách, anh Cưu là tín hiệu vui trong công cuộc giảm nghèo của huyện. Có thể nói, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, ý thức vươn lên trong mỗi người dân là rất quan trọng, quyết định sự thành công của chính sách./.
Tin, ảnh: Nhị Phương, Việt Cường