Trang thông tin điện tử

Huyện Trà Bồng

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội lừa đảo đưa thanh, thiếu niên làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài

Chỉ cần vào mạng xã hội, gõ cụm từ “việc nhẹ lương cao” ngay lập tức có hàng loạt bài viết với những lời lẽ mời chào khá thú vị, xuất hiện nhiều quảng cáo với nội dung hấp dẫn “làm việc nhẹ nhưng lương cao”, “đổi đời chỉ sau vài năm đi lao động nước ngoài”, thông tin được lan truyền rộng rãi, nhất là tại các vùng, miền còn khó khăn. Thế nhưng, đằng sau những lời mời gọi hấp dẫn lại là những cái bẫy được giăng sẵn nếu người dân không cảnh giác.
Qua điều tra và nắm thông tin ở cơ sở, tại địa bàn huyện Trà Bồng từ tháng 4/2022 đến tháng 6/2024 có ít nhất 07 trường hợp là thanh, thiếu niên thông qua mạng xã hội để tìm việc rồi bị các đối tượng (không quen biết) bằng nhiều thủ đoạn khác nhau lừa đưa sang lao động bất hợp pháp tại các nước lân cận như (Campuchia, Trung Quốc).
Ở thôn Nước Nia, xã Trà Bùi: Vì không có việc làm nên em Hồ Thị L, sinh năm 2002 thường xuyên lướt facebook  để tìm kiếm việc làm, tình cờ kết bạn với người có facebook “Nguyễn Ngọc Hiền” (quá trình xác minh chẳng có ai tên Hiền, chỉ là facebook giả danh), sau một vài lần trò chuyện Hiền rủ L vào làm việc tại tỉnh Bình Dương với mức lương 9.000.000đ/tháng. Thấy vậy L đồng ý ngay, vì đi một mình hơi ái ngại nên L rủ thêm Đinh Thị Ngh (sinh năm 2006) gần nhà cùng đi. Với thủ đoạn tinh vi, Hiền đã mua sẵn vé xe cho L và Ngh đi vào Bình Dương mà bản thân L và Ngh không biết rằng đây là chuyến xe bất ổn của mình. Khi đến tỉnh Bình Dương L và Ngh đã được 01 chiếc xe ô tô 7 chổ đón và nói rằng được Hiền gọi đón để đưa đến chổ làm việc. Nhưng không ngờ nơi đến lại là khu vực rừng rú (lúc này cả 2 mới biết bị lừa nhưng đã quá muộn), sau khi xuống xe L và Ngh được nhóm người (có sử dụng hung khí) thu điện thoại di động, dẫn đi qua biên giới bằng đường rừng. Sau hành trình xuyên đêm cả 02 bị ép vào làm việc cho 01 công ty tên VNEUS. Sau đó bị đưa sang nhiều công ty khác nhau. Nhiệm vụ của L và Ngh là hàng ngày lên mạng xã hội để dụ dỗ người Việt Nam tham gia vào các đường link “làm việc tại nhà”, hướng dẫn chơi xem facebook và tiktok để nhận tiền, sau đó dụ dỗ đầu tư, tham gia cá cược… với lãi suất nhận được rất cao. Tuy nhiên, khi đã đầu tư nhiều và trong tài khoản (tài khoản do chính các công ty lập ra) thấy có nhiều tiền người chơi cần rút thì ngay lập tức máy báo lỗi và yêu cầu nộp phí khắc phục. Nộp nhiều lần mà vẫn không khắc phục, người chơi phát hiện chiêu trò lừa đảo thì lập tức hệ thống cắt liên lạc và mất hút. Quá trình làm việc cả 02 đều được công ty trả lương, tuy nhiên nếu năng suất không đạt (doanh thu chủ yêu cầu trong ngày) sẽ không được trả lương, bị đánh đập dã man và bán sang các công ty khác (tiền lương của cả 02 nhận được đều bị ông chủ giữ lại vì nói rằng đây là khoản tiền bị trừ vào tiền mua L và Ngh). Nếu ai muốn về thì yêu cầu gia đình gửi tiền chuộc (trung bình khoảng vài trăm triệu), tuy nhiên việc gửi tiền chuộc chỉ là chiêu trò, qua lời kể của 02 em thì có rất nhiều người gửi tiền chuộc nhưng vẫn không được về. May mắn thay, sau khi lén lút báo tin về Việt Nam, qua quá trình xác minh, Công an huyện Trà Bồng đã báo cáo với Giám đốc Công an tỉnh và Công an tỉnh báo cáo Bộ Công an để phối hợp phía Campuchia giải cứu. Trong một lần truy quét tại đây, cả 02 đã được giải thoát về nước an toàn. Khi được hỏi về hành trình lao động, được giải thoát cả 02 em L và Ngh đã kể lại trong nước mắt, cho rằng đây là lần đầu và lần cuối cùng của cuộc đời mình đã có hành động dại dột như vậy.

Tại địa bàn thị trấn Trà Xuân (01 công dân), xã Trà Sơn (01 công dân), xã Trà Phong (02 công dân), xã Hương Trà (01 công dân) đều bị các đối tượng dụ dỗ để đưa sang lao động trái phép tại Campuchia, xã Trà Phong 01 công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Tuy nhiên không phải ai cũng được may mắn như L, Nhg và những công dân khác. Trường hợp Hồ Quang Kh ở xã Trà Phong và Hồ Văn Q ở xã Hương Trà là một ví dụ điển hình, từ ngày bị lừa đưa sang lao động bất hợp pháp ở Campuchia đến nay vẫn chưa được về nước.     

Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là sử dụng tài khoản mạng xã hội facebook, zalo, tiktok (ảo) đăng tải thông tin kết bạn, giới thiệu công việc với mức lương cao, nhàn hạ để tìm nạn nhân (từ 16 tuổi đến 35 tuổi), tổ chức đưa bất hợp pháp sang Campuchia, sau đó bán cho các công ty cờ bạc trực tuyến, game online, kinh doanh tiền số…Theo thống kê của Bộ Công an, hiện đang có khoảng gần 1.000 công ty đang hoạt động theo hình thức này và đang tiếp tục cần số lượng lớn nhân viên người Việt Nam, không chỉ vậy, số nhân viên này còn phải tiếp tục lôi kéo người Việt Nam trong nước tham gia đánh bạc trực tuyến. Khi được đưa sang nước ngoài, các nạn nhân bị bóc lột, cưỡng ép lao động, nếu muốn được trả tự do phải nộp tiền chuộc. Đối tượng mà loại tội phạm này hướng tới là những thanh, thiếu niên, không có việc làm ổn định, thích hưởng thụ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lừa đảo đưa người làm việc ở nước ngoài gia tăng nhưng phổ biến là do sự cả tin, thiếu hiểu biết của công dân về sử dụng mạng xã hội, cộng thêm tâm lý nôn nóng, muốn được đi làm ngay ở những nơi có thu nhập cao (trong khi không cần xác minh điểm đến là đâu, công việc gì…).
Do vậy, thời gian tới muốn chấm dứt tình trạng này bản thân công dân phải nâng cao cảnh giác trước những loại hình lừa đảo để đưa người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài. Khi sử dụng mạng xã hội tìm việc làm phải hết sức thận trọng, xác minh danh tính người môi giới, công việc được giới thiệu, địa chỉ… (có thể tìm hiểu trên internet, trao đổi cơ quan chức năng…) trước khi đồng ý tham gia. Ngoài ra, hệ thống chính trị ở cơ sở phải đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, nâng cao nhận thức. Tất cả mọi giá trị, thành quả lao động đem lại phải xuất phát từ trình độ, năng lực của cá nhân, không đâu lại tự dưng có “việc nhẹ lương cao” cả.

Tin, ảnh: Đông Nguyễn


Tra cứu văn bản

Thông tin tiện ích

Thống kê truy cập

Đang online: 4
Hôm nay: 322
Hôm qua: 4.128
Năm 2025: 243.712
Tất cả: 243.744