Một số giải pháp góp phần giảm thiểu tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật hiện nay trên địa bàn huyện Trà Bồng
Theo thống kê của Công an huyện, trong 03 năm (từ 3/2021 – 3/2024) toàn huyện xảy ra 52 vụ vi phạm có tính chất hình sự với 88 đối tượng tham gia (trong lứa tuổi thanh thiếu niên). Kết quả đã khởi tố 34 vụ, 62 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 18 vụ, 26 đối tượng nộp ngân sách nhà nước số tiền hơn 45.000.000 đồng. Hiện đang xác minh 02 vụ, 13 đối tượng. Qua thống kê cũng cho biết, trong số đối tượng vi phạm thì số thanh thiếu niên người đồng bào DTTS chiếm trên 60%; địa bàn chủ yếu là Trà Phong, Trà Xinh, Sơn Trà và thị trấn Trà Xuân; hành vi chủ yếu là cố ý gây thương tích, đánh nhau, trộm cắp, hủy hoại tài sản... Trong số đó tình trạng đánh báo động là hầu hết các vụ việc đều có đông đối tượng tham gia, câu kết thành các nhóm gồm nhiều đối tượng, phạm tội có sử dụng bạo lực với tính chất côn đồ, hung hãn. Hành vi phạm tội phổ biến nhất đối với nhóm chủ thể này là: Sử dụng hung khí (dao tự chế, rựa, cây gậy) đánh, chém gây thương tích thậm chí giết người; trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản.
Việc gia tăng tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có những nguyên nhân chủ yếu như: Thiếu sự quan tâm, phối hợp của gia đình, nhà trường trong quản lý, giáo dục con em; thiếu sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan đoàn thể, các tổ chức xã hội và chính quyền địa phương các cấp đối với số thanh thiếu niên vi phạm pháp luật; do tác động của môi trường, xã hội (nhất là internet, mạng xã hội) ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách, đạo đức, hành vi của các thanh, thiếu niên; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và hoạt động của các mô hình "tự quản, tự phòng", nhất là các mô hình quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật hiệu quả chưa cao…
Thanh thiếu niên là rừng cột, là tương lai của đất nước. Giáo dục, rèn luyện, tạo môi trường thuận lợi để thanh, thiếu niên phát triển, đóng góp nhiều hơn cho xã hội, không vi phạm pháp luật là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thời gian tới để công tác này đạt hiệu quả, cần tập trung triển khai tốt một số giải pháp sau:
Một là: Tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm của các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và sự đồng tình, ủng hộ Nhân dân trong phòng, chống thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên. Công tác chỉ đạo, triển khai phải cụ thể, rõ ràng, xác định đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, đơn vị chịu trách nhiệm chính… gắn với đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát.
Hai là: Tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật cho đối tượng thanh, thiếu niên. Nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, vùng, miền, dân cư, giúp các tầng lớp nhân dân hiểu được tâm lý thanh, thiếu niên để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên cần tập trung vào đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao. Đối với số này thường sống trong gia đình, khu vực đặc biệt như: Có trình độ học vấn thấp (do bỏ học sớm); gia đình có bố mẹ ly hôn, bố mẹ phạm tội, hoặc bố mẹ là những “người buôn”, chủ lô đề, cờ bạc; thanh niên không có việc làm... đây là những đối tượng rất dễ vi phạm pháp luật do bị tác động bởi hoàn cảnh gia đình và môi trường xung quanh.
Ba là: Thúc đẩy hợp tác, tạo nhiều công ăn, việc làm cho thanh thiếu niên (thực tế thời gian qua chứng minh, hầu hết số thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đều là số không có việc làm ổn định). Tạo nhiều sân chơi bổ ích cho thanh thiếu niên (như đầu tư các sân vận động thể thao ở thôn, xã) qua đó thu hút thanh thiếu niên vào các hoạt động vui chơi bổ ích, tăng cường sức khỏe, làm mất đi thời gian tụ tập ăn nhậu gây ảnh hưởng đến ANTT.
Bốn là: Nâng cao trách nhiệm của gia đình trong chăm sóc, giáo dục thanh thiếu niên. Bởi lẽ, gia đình có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách mỗi cá nhân. Gia đình phải là chủ thể quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống; kiểm soát được các mối quan hệ xã hội của chính con em mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những lệch lạc, sai trái.
Năm là: Nhà trường cần tổ chức các biện pháp quản lý khoa học, chặt chẽ đối với học sinh. Làm tốt công tác này sẽ tạo điều kiện cho các em chấp hành kỷ luật với ý thức từ thấp đến cao, tạo thành ý thức tự giác cho các em ngay từ khi còn nhỏ, giúp các em hình thành thói quen, chấp hành nghiêm nội quy của nhà trường. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thầy, cô giáo trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh. Ngoài ra, cần phải tăng cường công tác tuyên tuyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường và phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc trao đổi thông tin để cùng quản lý giáo dục các em phát triển toàn diện.
Sáu là: Lực lượng Công an đẩy mạnh triển khai các biện pháp rà soát, lập danh sách số thanh thiếu niên vi phạm pháp luật hoặc có nguy cơ vi phạm pháp luật, để phân công phối hợp, giáo dục và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; phối hợp lập hồ sơ đề nghị áp dụng mạnh các biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng và áp dụng triệt để biện pháp quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với số thanh thiếu niên chậm tiến bộ, để phòng ngừa tội phạm.
Tin, ảnh: Đông Nguyễn
Nguồn:admin.quangngai.gov.vn Sao chép liên kết