Trà Bồng chú trọng quan tâm hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu tái định cư, phòng chống sạt lở
Trong năm 2024, huyện đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn thực hiện sửa chữa các công trình hạ tầng nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 61/2019/NĐ-CP với kinh phí 500 triệu đồng. Toàn huyện có 137/148 công trình thủy lợi đang khai thác sử dụng, phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp đạt 100% so với kế hoạch; 160 công trình nước sinh hoạt, tổng số hộ gia đình vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai sử dụng là 14.415 hộ/58.948 người; trong đó: tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình tập trung và công trình nhỏ lẻ là 64,54%; Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình tập trung và công trình nhỏ lẻ là 90,84%.
Công tác phòng, chống thiên tai được UBND huyện thường xuyên chỉ đạo kịp thời; phê duyệt phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Hằng năm huyện tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và triển khai nhiệm vụ năm tiếp theo; ban hành kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện phụ trách địa bàn.
Theo Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Trà Bồng cho biết, đơn vị chủ động lên kế hoạch xây dựng các hạng mục công trình, khắc phục những hạng mục vẫn có thể triển khai được trong mùa mưa bão. Đồng thời, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng đo đạc, giải phóng mặt bằng, xin kinh phí hỗ trợ di chuyển người dân ra khỏi vùng nguy cơ xảy ra thiên tai.
Để chủ động phòng ngừa và ứng phó kịp thời với thiên tai, hằng năm, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn huyện Trà Bồng chỉ đạo các xã chủ động rà soát các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để di dời nhà ở của người dân đến nơi an toàn; cắm biển cảnh báo để người dân chủ động phòng ngừa, có phương án ứng phó tại chỗ khi có thiên tai xảy ra. Các điểm sẽ bố trí, sắp xếp dân cư được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện mặt bằng để sớm ổn định cuộc sống cho người dân.
Đồng chí Đỗ Đình Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện mặt bằng, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt để ổn định đời sống lâu dài cho các hộ dân tái định cư. Đến nay, cơ bản đời sống người dân ở một số điểm đã sắp xếp dần có những thay đổi tích cực, tạo nên một sức sống mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc bố trí ổn định dân cư phù hợp với quy hoạch, phong tục, tập quán văn hóa của từng dân tộc và gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới là mục tiêu, đồng thời cũng là giải pháp để huyện miền núi Trà Bồng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Bố trí ổn định dân cư cũng có tác động lớn đến việc ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân, hình thành các điểm dân cư mới có cơ sở hạ tầng thiết yếu, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, công tác quy hoạch các khu tái định cư phòng chống sạt lở của huyện cũng tồn tại nhiều bất cấp, hạn chế, chưa dự báo được những nguy cơ địa hình, địa chất từng khu vực, dẫn đến các phương án thiết kế thi công không phù hợp, có nguy cơ gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến tính mạng tài sản của người dân. Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Nguyễn Văn Dũng cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban và chính quyền địa phương cơ sở tiếp tục khảo sát kiểm tra các vùng có nguy cơ sạt lở, các khu quy hoạch tái định cư, các phương án thiết kế thi công xây dựng công trình để đảm bảo việc xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai đảm bảo đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, đồng thời tránh nguy cơ lãng phí nguồn lực, thất thoát ngân sách nhà nước./.
Tin, ảnh: Phong Trà
Nguồn:admin.quangngai.gov.vn Sao chép liên kết