TRÀ BỒNG SAU 65 MÙA THU QUẬT KHỞI
Ngược dòng lịch sử, vào đầu năm 1959, để xây dựng chính quyền bù nhìn tay sai hòng thực hiện âm mưu phá hoại Hiệp định Geneva, chia cắt lâu dài nước ta, đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm ráo riết thực hiện chính sách "tố cộng diệt cộng", đưa ra Luật 10/59 trả thù những người kháng chiến cũ, chia cắt Đảng với dân, dìm phong trào cách mạng trong bể máu. Chúng lấy Quảng Ngãi là một trọng điểm.
Trong bối cảnh ấy, tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi nhân dân tham gia cách mạng. thành lập các đơn vị vũ trang chờ thời cơ khởi nghĩa.
Ngày 03/3/1959, tại thôn Nước Xoay và Cà Nung, xã Trà Thọ, (nay là xã Trà Tây) đơn vị vũ trang đầu tiên của Quảng Ngãi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, phiên hiệu 339 ra đời. Đây là đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ.
Ngày 23/8/1959, địch điều quân lên Trà Bồng vây ráp cưỡng chế dân đi học tập bầu cử. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã Trà Thuỷ, Trà Giang biểu tình chống lại, sau đó rút vào rừng cắm chông, cài bẫy chống địch đàn áp. Địch tiến hành khủng bố, đàn áp dã man đồng bào. Ngọn lửa căm thù như bùng cháy.
Mờ sáng ngày 28/8/1959, nhân dân và lực lượng thanh niên vũ trang ở Trà Phong, Trà Lãnh, Trà Quân, Trà Sơn, Trà Nham, Trà Khê nhất loạt nổi dậy, vây diệt bọn cảnh sát ác ôn, uy hiếp tinh thần binh lính địch, vùng cao Trà Bồng bừng bừng khí thế quật khởi. Đến chiều cùng ngày, nhân dân và lực lượng vũ trang tiến công cơ quan ngụy quyền xã, tiêu trừ đến tận gốc quyền lực độc tài của Mỹ-Diệm ở cơ sở, bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở bị đập tan. Tin Trà Bồng được giải phóng đã lan nhanh khắp các huyện miền núi của tỉnh. Cả miền Tây Quảng Ngãi nhất tề đứng lên giành chính quyền về tay cách mạng.
Sau cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, nhân dân các dân tộc ở Kon Tum, Đắk Lắk nổi dậy diệt ác, giành quyền. Khí thế của quần chúng cách mạng đang nhen nhóm lại được thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng cổ vũ, quân và dân ở các tỉnh Nam Trung Bộ nổi dậy đánh bại cuộc càn quét của địch. Cuộc khởi nghĩa này đã mở đầu phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân miền Nam, khơi thông dòng thác cách mạng miền Nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi giành thắng lợi đã mở ra giai đoạn lịch sử mới về sự kết hợp bạo lực cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng với khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân không những ở Quảng Ngãi mà cả Nam Trung bộ.
Phát huy thắng lợi khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, nhân dân Trà Bồng tiếp tục theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng. Trải qua từng giai đoạn khác nhau, khó khăn nhiều, thách thức không ít, đã từng chia tách thành 2 huyện Trà Bồng và Tây Trà trong 17 năm (2023-2020), đến năm 2020, thực hiện theo chủ trương chung, Trà Bồng, Tây Trà lại về chung một nhà. Toàn huyện hiện có 15 xã và 1 thị trấn với dân số hơn 54 ngàn người, trong đó, dân tộc Co chiếm trên 60% dân số.
Sau ngày sáp nhập huyện và trải qua 2 năm chống chọi với địa dịch Covid 19, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền cùng sự đoàn kết, nỗ lực của toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kinh tế xã hội của huyện đã và đang chuyển mình, từng bước phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.
Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và nhà nước với nhiều chương trình, dự án, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng miền núi, Trà Bồng đã tích cực tận dụng cơ hội, nguồn lực đầu tư của Trung ương, tỉnh cùng với phát huy nguồn nội lực để xây dựng và phát triển huyện nhà, từng bước giảm nghèo bền vững, thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, xứng tầm với lịch sử vùng đất quật khởi.
Tổng giá trị sản xuất các ngành giai đoạn năm 2020-2023 đạt gần 8.200 tỷ đồng; tốc độ tăng bình quân thời kỳ 2020 - 2023 đạt 12,9%/năm; Tính đến cuối năm 2023, nhập bình quân đầu người đạt 29,973 triệu đồng/người/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2020-2023 trên địa bàn huyện đạt gần 3000 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư công trên 989 tỷ đồng. Việc huy động nguồn lực, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn được huyện quan tâm, ưu tiên nguồn lực và chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện. Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án, công trình hạ tầng thiết yếu, trọng điểm, đem lại lợi ích cho người dân cũng như thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.
Trong giai đoạn hiện nay, các Chương trình MTQG trên địa bàn huyện như giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình xây dựng Nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng cao qua từng năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Công tác đảm bảo an sinh xã hội, các chính sách người có công được chỉ đạo triển khai kịp thời, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; huy động nguồn lực của xã hội để chăm lo đời sống vật chất cũng như tình thần cho Nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm từ 5 đến 6%; dự kiến cuối năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 20,9%, tương ứng giảm 1.359 hộ nghèo.
Giáo dục và đào tạo có những chuyển biến tích cực, vượt bậc. Hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp ở các bậc học được đầu tư xây dựng khang trang, rộng khắp đến tận vùng sâu vùng xa, không còn cảnh trường lớp tạm bợ. Toàn huyện đã có 18 / 50 trường đạt chuẩn quốc gia
Trong nhiệm kì 2020-2025, Huyện uỷ Trà Bồng đã ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện, về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Trà Bồng và về phát triển đô thị Trà Xuân, Trà Bình, Trà Phong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 để cụ thể hoá các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà NQ địa hội Đảng bộ huyện lần thứ 24 đã đề ra.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện đã phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực, ưu tiên các nguồn lực thực hiện hiệu quả mục tiêu các Nghị quyết đề ra. Xem đây là một chủ trương lớn của Đảng bộ huyện, vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài nhằm từng bước cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2025 Trà Bồng cơ bản thoát nghèo, làm tiền đề, động lực để huyện thoát khỏi huyện nghèo trước năm 2030.
Cùng với phát triển kinh tế xã hội, đời sống tinh thần của người dân cũng được quan tâm. Huyện đã chăm lo làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số. Từ sự quan tâm của các cấp các ngành, các địa phương, Trà Bồng đã lưu giữ phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Co như đấu chiêng, múa cồng chiêng, cà đáo, tết ngã rạ, lễ hội hiến trâu, lễ mừng lúa mới, các điệu xà ru, a giới, kén amap.... tạo niềm vui, phấn khởi tự hào của đồng bào về bản sắc văn hoá dân tộc, để từ đó nỗ lực vươn lên, khơi dậy ý chí, nghị lực của mỗi người trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.
việc tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội được coi là nhiệm vụ thường xuyên để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân và phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước, để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả, với tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển", Đảng bộ huyện đã từng bước ổn định tình hình, dần tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, , xây dựng và phát triển đảng bộ trong sạch vững mạnh.
Trải qua 65 mùa thu tháng Tám, người Trà Bồng hôm nay không quên quá khứ hào hùng năm xưa, mà từ niềm tự hào ấy, những người con đất Quế anh hùng tiếp tục phát huy tinh thần của ngọn lửa quật khởi, nỗ lực, chung tay xây đắp nên những mùa thu quật khởi trong tiến trình dựng xây huyện nhà, để âm vang của tiếng chiêng, âm vang của núi rừng Trà Bồng mãi vang xa./.
Tin, ảnh: Nhị Phương, Việt Cường